r

"65 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG NHÂN CÔNG TY THAN MẠO KHÊ" - Phần 1.

Thứ ba - 01/10/2019 15:02
     Nhân kỷ niệm 65 năm ngày khôi phục phát triển Công ty Than Mạo Khê (15/11/1954-15/11/2019), Trang thông tin điện tử Công ty Than Mạo Khê mở mục tiêu điếm: 
“65 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG NHÂN CÔNG TY THAN MẠO KHÊ”
    Nhằm giới thiệu với cán bộ công nhân viên Công ty và bạn đọc gần xa về những chặng đường lịch sử vẻ vang của Công ty trong suốt 65 năm khôi phục và phát triển.
     Tài liệu được dựa trên cuốn Truyền thống công nhân Công ty Than Mạo Khê (1840-2014), xuất bản tháng 10 năm 2014. Qua đó, động viên, khích lệ mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức trong toàn Công ty hăng hái phát huy truyền thống bất khuất kiên cường của đội ngũ công nhân mỏ, tích cực thi đua lao động sản xuất góp phần xây dựng Công ty Than Mạo Khê ngày cáng phát triển bền vững.

 

KHÁI QUÁT VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG TY THAN MẠO KHÊ

 
     Công ty Than Mạo Khê thuộc Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam, nằm ở Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Trước tháng 8 năm 1945 gọi là mỏ Mạo Khê. Sau ngày hòa bình lập lại được gọi là Mỏ Than Mạo Khê. Ngày 16 tháng 10 năm 2001 được đổi thành Công ty Than Mạo Khê.
      Phía đông giáp xã Hoàng Quế, phía tây giáp phường Kim Sen, phía Nam giáp xã Yên Thọ và phường Mạo Khê, phía Bắc là đồi núi cao giáp xã Tràng Lương.
     Công ty Than Mạo Khê có lịch sử khai thác trên 170 năm. So với các mỏ than hầm lò hiện nay, mỏ Mạo Khê có trữ lượng và quy mô khai thác lớn. Toàn Công ty là một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh từ khâu vận tải, sàng tuyển và tiêu thụ sản phẩm.
      Ranh giới của Công ty theo tài liệu địa chất, được phân định bởi: Phía đông từ tuyến XV đến phía tây từ tuyến IE, với chiều dài 8 km; phía Bắc từ phay Tung Lương (FTL) đến phía Nam từ phay (Fbb) với chiều rộng từ 2 đến 5 km.
     Khu vực khai thác chính hiện nay có độ cao trung bình là 250m, chạy dọc theo hướng Bắc thuộc vùng đồi núi của vòng cung Đông Triều.
      Mạo Khê nằm ở vị trí tương đối thuận lợi. Các phía: đông, tây, nam của mỏ là vùng nông thôn đồng bằng rộng lớn với các xã: Yên Thọ, Hoàng Quế, phường Kim Sen,…(của thị xã Đông Triều). Xa hơn, vượt qua sông Đà Bạch là huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương, một trong những nơi cung cấp nguồn nhân lực cho mỏ.
      Ba mặt bao quanh (trừ phía Bắc) tương đối bằng, có hệ thống giao thông liên vùng. Về đường bộ, quốc lộ 18A đi thành phố Hạ Long (trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh Quảng Ninh) và ngược lại phía Phả Lại – Bắc Ninh – Hà Nội. Đồng thời quốc lộ 18A lại có nhánh đường 200 đi Hải Phòng; tuyến đường sắt quốc gia Yên Viên, Kép, Uông Bí, Hạ Long có nhiều nhánh và tận nhà sàng.
      Về đường thủy, gần như duy nhất chỉ có con sông Đà Bạch (một nhánh của sông Kinh Thầy) chảy ra sông Bạch Đằng có một cảng Bến Cân là nơi trung chuyển than bằng đường thủy và đường bộ đã hợp thành hệ thống giao thông thuận tiện cho mỏ trong vận chuyển nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm và trong sinh hoạt.
      Mỏ Mạo Khê nằm sâu trong nội địa, phía Bắc là đồi núi, còn lạo là mặt bằng rộng rãi, nằm giữa hai nhà máy nhiệt điện lớn nhất là Uông Bí và Phả Lại. Cách 2km về phía Nam có nhà máy xi măng Hoàng Thạch. Bởi vậy nó giữ vai trò quan trọng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
      Theo nghiên cứu địa chất, than ở Mạo Khê là than trầm tích được hình thành vào Kỷ đề vôn và Sê-Siêng. Trải qua các cuộc vận động tạo sơn, đặc biệt là cuộc vận động tạo sơn In-đô-xi-át cách đây khoảng 170 đến 200 triệu năm. Do hiện tượng tạo sơn nên bề mặt trái đất bị đảo lộn, những cây dương xỉ…bị vùi lấp xuống lòng đất và dần dần trở thành than đá. Trên cơ sở đó, than ở Mạo Khê ứng với tuổi Triatnôli-Nadini (T3N-T3R). Hướng của địa tầng chứa than chạy theo Đông – Tây, nhưng nghiêng về phía Tây và chia làm 2 cánh Bắc và Nam, bởi trục PAA.
      Địa tầng hệ chứa than cánh Bắc cấu tạo đơn giản (hơn phía Nam) nghiêng về một phía.
      Địa tầng cánh Nam cấu tạo tương đối phức tạp, góc nghiêng của địa tầng ngược với phía Bắc.
     Căn cứ vào thăm do địa chất, xác định, than ở Mạo Khê có 54 vỉa, chiều dày toàn bộ là 271,74m, trong đó có 37 vỉa có giá trị khai thác. Hầu hết các vỉa cánh Bắc và cánh Nam đều chạy theo hướng Đông Tây với chiều dài từ 6 đến 8 km. Cánh Bắc vỉa mỏng, than cục ít, chỉ có 3/10 vỉa có than cám 4. Chiếm tỷ lệ 30% còn lại là cám 5+6. Độ dốc vỉa từ 30 độ - 52 độ.
     Cánh Nam vỉa dày hơn, tỷ lệ than cục cao hơn độ dốc vỉa trung bình cao từ 30-63 độ, không có than cám 4, chỉ có cám 5+6.
     Toàn vùng Mạo Khê không có than cám đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Than cục độ bền cơ học thấp. So với vùng Hồng Gai – Cẩm Phả, than Mạo Khê có độ tro cao, nhiệt lượng thấp nên giá bán bình quân thấp hơn. Tuy nhiên về giá trị sử dụng thích hợp với cơ khí luyện kim, nhiệt điện, sản xuất nhiệt điện, sản xuất vật liệu và chất đốt sinh hoạt.
      Phần trữ lượng than ở mức +30 (so với mực nước biển) thuận lợi cho khai thác lò bằng. Phần nằm dưới mức +30 phù hợp với phương thức khai thác lò giếng.
     Giới hạn khai thác của mỏ Mạo Khê được quy hoạch là 40km2, với tổng trữ lượng than còn lại khoảng 300 triệu tấn.
     So với một số mỏ khai thác ở khu vực mỏ Quảng Ninh, mỏ than Mạo Khê được khai thác sớm (từ 1846 – 1884), dưới hình thức trưng khai của một số thương nhân nước ngoài.
     Sau khi chiếm được Khu mỏ (1883), thực dân Pháp đã ép triều đình nhà Nguyễn bán khu mỏ Hồng Gai – Cẩm Phả (1884) và khu mỏ Uông Bí, Đông Triều (1887) cho chúng. Nhưng việc khai thác than ở đây vẫn còn chậm chạp dưới hình thức “khoáng quyền”.
      Mãi đến khi thành lập Công ty than gầy Bắc Kỳ (15-10-1920), thì việc khai thác than ở đây mới được mở rộng.
      Quá trình khai thác than của bọn thực dân, chủ mỏ…ở Mạo Khê gắn liên với sự ra đời của đội ngũ công nhân mỏ. Mạo Khê đã trở thành một trong những nơi sớm nhất sản sinh ra giai cấp công nhân Việt Nam.
     Khác với công nhân ở một số mỏ khác, công nhân Mạo Khê chủ yếu là người dân ngay địa phương, sống trên vùng đát nhượng xung quanh bao bọc đồng bằng và rừng núi, bà con sáng đi làm, tối về nhà, vẫn giữ nguyên quan hệ khăng khít với đồng ruộng.
      Chính những yếu tố hợp thành đội ngũ công nhân mỏ Mạo Khê đã ảnh hưởng lớn đến đặc điểm của họ.
     Công nhân mỏ Mạo Khê có mối liên hệ trực tiếp với nông dân hơn công nhân một số nới khác, bị chế độ thực dân phong kiến áp bức nặng nề và bị nhiều tầng lớp áp bức trực tiếp hơn một số nơi khác. Họ có tinh thần yêu quê hương đất nước và tình đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau; cuộc sống cần cù, giản dị chân thật, hiền lành. Nhưng khi bị áp bức bóc lột, Tổ quốc bị kẻ thù dày xéo, họ sẵn sàng đứng lên chiến đấu để giành lại độc lập tự do cho đất nước, hạnh phúc của dân tộc. Cũng chính nơi đây, nhiều cán bộ cách mạng về hoạt động và làm công nhân đã trưởng thành và trở thành những cán bộ của Đảng và Nhà nước ta, tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng bí thư của Đảng (từ năm 1938-1940).
      Ngay sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Khu mỏ được thành lập tại Mạo Khê. Sự kiện lịch sử này tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng của toàn Khu mỏ.
     Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đã tạo điều kiện thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân mỏ Mạo Khê tiến lên những bước cao hơn. Những người thợ mỏ Mạo Khê đã trực tiếp đánh chiếm mỏ Mạo Khê và trở thành một bộ phận quan trọng của lực lượng quân Đệ tứ chiến khu (tức chiến khu Trần Hưng Đạo) nổi dậy cướp chính quyền trong cách mạng Tháng 8 năm 1945. Đồng thời, mỏ Mạo Khê còn là cứ điểm quan trọng của ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hòa bình lập lại, Mạo Khê là mỏ duy nhất ở Khu mỏ Quảng Ninh được giao nhiệm vụ sản xuất than cung cấp cho nhà máy nhiệt điện Hà Nội ngày đầu giải phóng. Mặc dù hầm mỏ bị tàn phá, với hai bàn tay trắng, anh em cán bộ, công nhân ở bao miền hội tụ về đây đã khắc phục mọi thiếu thốn vất vả, gom góp từng hòn than vì dòng điện của Thủ đô yêu dấu.
      Từ hai bàn tay trắng ngày đầu khôi phục, đến cuối năm 1965 hầu hết các công việc nặng nhọc đã được cơ khí hóa từng bước, nhằm giải phóng sức sản xuất, tăng năng suất lao động.
       Quá trình phát triển của mỏ không chỉ có thuận lợi, mà đã gặp những khó khăn: có lúc tưởng chừng không thể vượt qua, nhất là khi chuyển đổi cơ chế bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hộ chủ nghĩa, mỏ đứng bên bờ vực của sự phá sản. Nhưng với tinh thần tự lực cánh sinh, dám nghĩ, dám làm, luôn luôn tìm tòi sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm để tìm ra bước đi phù hợp với điều kiện của mình, cán bộ, công nhân mỏ Mạo Khê đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý.
.... (Còn tiếp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay1,301
  • Tháng hiện tại145,905
  • Tổng lượt truy cập9,472,526
chay trai
qc chay phaiii
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây