r

"65 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG NHÂN CÔNG TY THAN MẠO KHÊ" - Phần 9.

Thứ tư - 30/10/2019 16:15
CHƯƠNG VIII
 
ĐỔI MỚI CƠ CHẾ THỰC HIỆN SẢN XUẤT
KINH DOANH XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1986-2000)

 
Nhà sinh hoạt mỏ Công ty (ảnh chụp năm 1996)
 
Từ năm 1985, tài nguyên khai thác của mỏ từ mức +30 trở lên lộ vỉa ngày càng cạn kiệt. Những vỉa than tốt, gần, dễ khai thác đã hết, chỉ còn lại vỉa dốc, vỉa than kém phẩm chất... hoặc các khoảnh than của các vỉa năm trước đây do khó khăn không khai thác được (9, 9b), phải bỏ lại.
Vì vậy, sản xuất than của mỏ trong tình trạng bòn vét tận thu tài nguyên. Chất lượng than cám 6 (có độ tro 34-40%) làm cho việc tiêu thụ than bế tắc. Than tồn kho có lúc lên 30.000 tấn. Một số lò chợ phải ngừng sản xuất, vì chất lượng than kém. Mặt khác, theo Quyết định số 176 của Hội đồng Bộ trưởng, từ đầu năm 1989, xoá bỏ chế độ bao cấp trong sản xuất kinh doanh, xí nghiệp tự chủ về tài chính. Trong khi đó, cơ chế chính sách còn nhiều kẽ hở, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng với yêu cầu. Công tác phân cấp quản lý và tổ chức cán bộ của ngành than vẫn chưa được phân định rõ ràng. Tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động, giá cả vật tư hàng hoá tăng nhanh, giá đầu vào của một số tấn than tăng theo giá cả thị trường và tỷ giá hối đoái của Nhà nước quy định. Số công nhân thiếu việc làm tăng lên hàng nghìn người. Tình hình trên đã gây cho mỏ thiếu hụt ghê gớm về tài chính, thường xuyên nợ tiền lương của công nhân từ 2-2,5 tháng, không có vốn mua phụ tùng vật tư thiết bị, nợ thường xuyên trên một tỷ đồng, có lúc lên tới 1,8 tỷ.
Nhiệm vụ của mỏ đề ra trong Đại hội đại biểu Đảng bộ mỏ (1989-1990) nhiệm kỳ 19 còn mang tư tưởng bao cấp, không phù hợp với quyết định 176 của Hội đồng Bộ trưởng và tình hình thực tế đang diễn ra ở mỏ. Vì vậy, để phù hợp với cơ chế mới, Ban chấp hành Đảng bộ (nhiệm kỳ 19) đã họp và Nghị quyết điều chỉnh, thay đổi hướng chỉ đạo sản xuất kinh doanh và những biện pháp mục tiêu chủ yếu cho năm 1989-1990. Đây là Nghị quyết cực kỳ quan trọng, mang ý nghĩa quyết định sự tồn tại và phát triển trước mắt cũng như lâu dài của mỏ.
Để có thể tồn tại và phát triển được, trước tiên phải tìm ra bước đi thích hợp với sản xuất hàng hoá của cơ chế thị trường phù hợp với điều kiện của mỏ sản xuất than hầm lò như Mạo Khê. Đây cũng là lần đầu tiên tìm tòi, thử nghiệm hướng đi mới, một mô hình sản xuất kinh doanh mới, mà trước nó không có một mô hình sẵn có để tham khảo và học tập.
Quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc” mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã đề ra, mỏ đã tiến hành thăm dò ý kiến của cán bộ chủ chốt, mở Đại hội công nhân viên chức bất thường (ngày 19-4-1989) để bàn bạc dân chủ, thống nhất bước đi, cách làm, tháo gỡ khó khăn bằng các biện pháp quản lý, giáo dục để xoá bao cấp. Trước tiên giữ vững sự tồn tại của xí nghiệp trước thử thách ghê gớm của việc thay đổi cơ chế.
Đại hội công nhân viên chức bất thường ngày 19-4-1989 đã quyết định những giải pháp cụ thể là:
-    Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết lực lượng lao động dôi thừa một cách hợp lý và có hiệu quả, giảm chi phí đầu vào (giá thành), tiết kiệm toàn diện góp phần giảm lỗ.
-    Điều chỉnh đầu tư xây dựng cơ bản, quyết định tạm ngừng đầu tư những nơi kém hiệu quả, tập trung cho những công trình trọng điểm.
-    Tăng cường các mặt quản lý, từng bước khắc phục những yếu kém nhằm đáp ứng sự đòi hỏi của cơ chế quản lý mới.
Quá trình thực hiện những giải pháp đề ra được tiến hành thận trọng, từng bước để sớm thích nghi với cơ chế thị trường và điều kiện sản xuất hàng hoá.
Nhằm nâng cao tính chủ động sáng tạo của các phân xưởng và từng cán bộ, công nhân viên, trong quá trình chuyển đổi cơ chế, mỏ đã tiến hành xây dựng cơ chế mới, áp dụng khoán tổng hợp ở tất cả các phân xưởng, từ các lò than, lò đá đến vận tải, ô tô, cơ khí.
Từ quý I năm 1989, mỏ tiến hành thí điểm ở phân xưởng khai thác 11 sàng. Đầu quý II năm 1989, sơ kết, rút kinh nghiệm được mở rộng ra tất cả các phân xưởng sản xuất còn lại.
Cùng với áp dụng cơ chế khoán, mỏ đã tiến hành rà soát và tính toán lại định mức sử dụng nhiên liệu xe máy, định mức khoán nhận gia công chế tạo các sản phẩm cơ khí, điều chỉnh các mức sử dụng nguyên, nhiên vật liệu của các thiết bị máy mỏ và sử dụng gỗ, vật liệu nổ... xây dựng lại, ban hành hàng trăm định mức tiêu hao vật tư, lao động, sửa chữa và vận hành ở tất cả các khâu: Khai thác, cơ khí, ô tô, xây dựng. Mặt khác, chú ý quản lý kinh tế tài chính, tiến hành kiện toàn ngay từ phân xưởng.
Từ cơ chế tập trung bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, do phải hợp lý hoá tổ chức và dây chuyền sản xuất số lượng lao động của mỏ đã dư thừa hàng nghìn người, biện pháp giải quyết là:
Động viên những người đủ tiêu chuẩn tự giác xin nghỉ hưu. Ai có nguyện vọng xin thôi việc thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 176 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Toàn bộ mỏ thực hiện một tuần làm 5 ngày, nghỉ luân phiên. Một số nghỉ tự túc chăn nuôi, tăng gia được mỏ tạm thời trợ cấp lương hàng tháng. Bộ máy từ các phân xưởng đến phòng ban của mỏ được sắp xếp lại gọn nhẹ giảm bộ máy hành chính.
Sau gần 3 năm (1989-1991) kiên trì giải quyết hợp tình hợp lý theo đúng chính sách, mỏ đã giảm được 2.320 người và 11 đầu mối (trong đó phòng ban giảm 5, phân xưởng giảm 6, tỷ lệ gián tiếp toàn mỏ đầu năm 1989 là 8% đến 1991 còn 6%.
Nhằm giải quyết việc làm cho công nhân, mỏ mở thêm phân xưởng sản xuất phụ trợ như: Thành lập đội chế biến, tận thu than cục xuất khẩu, sản xuất than tổ ong, chế biến sắt thép phế liệu, khai thác đá, may quần áo bảo hộ lao động, sản xuất vật liệu xây dựng (vôi, cát, gạch) đồ mộc, sửa chữa cơ khí cho nhân dân, tổ chức đi thu hồi vật tư thiết bị ở những nơi đã ngừng sản xuất. Xây dựng công trình hạ tầng như tường rào bảo vệ kho than, hệ thống mương thoát nước mặt bằng khu 56, nhà sàng, làm đường ô tô bằng đường bê tông và đường nhựa, tích cực sản xuất vật tư phụ tùng cơ khí, tự sửa chữa trung đại tu, phục hồi máy móc thiết bị. Mặt khác, chuẩn bị diện sản xuất, thay thế các diện đã hết bằng vốn tự có của xí nghiệp tập trung thi công cặp giếng nghiêng 25 khu 56 (khởi công từ 12-11-1988 và khánh thành đưa vào sử dụng ngày 1-4-1992) có công suất 200 nghìn tấn/ năm. Ngày 15-12-1994, khôi phục lò giếng -80, mở rộng lò mức -25; mở thêm diện khai thác than Yên Tử. Các điểm lộ vỉa khác thuộc vỉa 6, vỉa 8 CN, vỉa 9b, vỉa 1b, vỉa 13 cũng đồng thời được thi công. Đồng thời, rà soát, thăm dò thiết kế, khai thác tận thu tất cả các khoảnh than trước đây do khó khai thác phải bỏ lại ở các khu vực 56, 58, Tràng Khê 1 thuộc khu vực lò bằng từ +30 trở lên. Vì vậy, các phân xưởng đủ việc làm liên tục từ năm 1991 đến năm 1994.
Cùng với việc giải quyết việc làm cho công nhân và số lao động dôi dư, mỏ đề nghị cấp trên cho đình hoãn một số công trình (do Nhà nước đầu tư, cấp vốn, xét thấy ít hiệu quả hoặc chưa có điều kiện cụ thể là: Đường nhựa dài 2,7km từ trạm điện 35KW cũ lên mức +300 Tràng Khê 1; ngừng thi công nhà sàng, lò đúc thép 1,5 tấn/mẻ thuộc phân xưởng cơ khí lò Tràng Khê 2, hệ thống tuyển than máng rửa và tuyển don xô năm 1992 do mỏ lập kế hoạch cũng phải đình chỉ.
Sau khi đã sắp xếp lại bộ máy chỉ huy điều hành sản xuất bố trí lại lao động, mỏ đã tìm mọi biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất hạ giá thành sản phẩm cụ thể là:
Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đã nghiên cứu xây dựng cơ chế khoán tổng hợp, khoán xe máy, khoán công trình và mạnh dạn áp dụng đấu thầu trong xây dựng. Cơ chế khoán được tiến hành từng bước, thận trọng, vừa thực hiện vừa đúc rút kinh nghiệm và bổ sung sửa đổi phù hợp với thực tế.
Từ tháng 7 năm 1993, mỏ hạn chế bắn mìn ở lò chợ, áp dụng trở lại cuốc than thủ công nhằm giải quyết việc làm cho công nhân giảm chi phí vật tư, tăng sản lượng than cục, giảm sự cố, nhưng vẫn đảm bảo thu nhập, đạt hiệu quả. Cũng từ tháng 7 năm 1993, khâu sản xuất ở các lò, vận tải, sàng tuyển thực hiện làm 2 ca, bỏ ca 3 trên cơ sở đó dần dần xoá bỏ chế" độ nghỉ luân phiên trước đây đã áp dụng trong thời điểm thừa lao động, thiếu việc làm.
Nhiều vật tư, thiết bị cũ trước bỏ đi: Vì sắt, lập là, đường ray, cáp điện, sắt thép, tấm chèn bê tông, vật liệu xây dựng và máy móc thiết bị chuyên dùng được thu hồi và đưa vào sử dụng. Mạng lưới quản lý điện, nhất là việc lắp đặt và kiểm tra thiết bị đo lường, thiết kế, xây lắp nhiều công trình được quản lý chặt chẽ... Do đó, chỉ tính riêng số vật tư tiết kiệm năm 1992-1993 quy lại với chi phí xây dựng cơ bản đã tiết kiệm được trên 3,5 tỷ đồng. Điện năng tiêu thụ cho một tấn than giảm 1,95KW tính thành tiền là 921 đồng.
Để giảm gỗ và sắt thép, mỏ đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và sáng kiến vào sản xuất như: Ap dụng thí điểm hai hệ thống khai thác bắn buồng lưu than (cải tiến 6 buồng), bắn mìn lưu than lò thượng xía cá tại vỉa 6 Bình Minh năm 1988 và đầu năm 1989. Cũng tại vỉa 6 Bình Minh, mỏ kết hợp với Viện nghiên cứu than và chuyên gia Liên Xô, tiếp tục thí điểm hệ thống khai thác, giàn chống vòm bằng kim loại.
Năm 1992-1993, mỏ đã kết hợp cùng Viện thiết kế than thí điểm chống lò đã dọc vỉa 6 mức -25 vì neo bê tông cốt thép. Năm 1993, mỏ tự thiết kế và thi công công nghệ hạ trần ở vỉa 5 Yên Tử để tận thu than lớp vách, được 4 cột, giảm chi phí từ 70m3 xuống 46m3/1.000 tấn than, xây lò đá bằng gạch đất nung, thay vì sắt, vì neo dẻo, đem lại hiệu quả kinh tế, tỷ lệ than cám 4, than cục đều tăng so với trước.
Mặc dù có nhiều biện pháp, nhưng giá thành than sản xuất hầm lò quá cao so với giá bán chung, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Để bù đắp lại phần nào, mỏ đã mạnh dạn thiết kế mở vỉa và xây dựng cơ chế làm than lộ vỉa, nhằm tận thu than ở tất cả các đầu vỉa trước đây đã khai thác hầm lò ở cụm vỉa cánh Bắc và khai thác đầu vỉa ở một số vỉa cánh Nam, từ tuyến 1 đến 11.
Các vỉa than này mỏng, chủ yếu là cám 6, một phần nhỏ cám 5 nằm rải rác với chiều dài gần 5km, khó bảo vệ và quản lý. Mặt khác, mỏ không có đủ xe máy, phải thuê của các đơn vị ngoài. Vì vậy, nếu mỏ quản lý sẽ kém hiệu quả. Căn cứ vào thực tế" đó, trong năm 1989-1990 mỏ khoán cho các phòng, ban, phân xưởng khai thác để phát huy tính năng động sáng tạo của cơ sở, tranh thủ phương tiện, xe máy của các đơn vị bạn, phù hợp với phương thức khai thác các vỉa nhỏ, trên cơ sở đó mang lại hiệu quả kinh tế" cao hơn. Toàn bộ sản phẩm làm ra do mỏ quản lý, định giá bán, đồng thời làm nghĩa vụ với Nhà nước. Cách khoán này khác hẳn kiểu khoán trắng ở một số đơn vị mà trong và ngoài ngành than đã làm.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng với việc tạm ngừng các vỉa hầm lò cám 6, mỏ thực hiện cơ chế trả lương bằng biện pháp kỹ thuật kết hợp với giáo dục, tổ chức lại sản xuất. Bởi vậy, năm 1989, than các lò sản xuất tới 60% cám 6 và 40% cám 5, đến cuối năm 1994 đã đạt được 30% cám 4, còn lại là cám 5.
Quá trình làm giảm chi phí sản xuất được tiến hành đồng thời với việc thực hiện bỏ bao cấp, tiền tệ hoá tiền lương đối với tất cả cán bộ, công nhân viên. Mỏ ngừng việc đưa đón công nhân đi làm và cấp than đun cho công nhân không mất tiền. Bỏ dần và đến đầu năm 1994 chấm dứt hoàn toàn chế độ ăn giữa ca không tính vào thu nhập. Thay thế chế độ khám bệnh cấp thuốc bằng cách mỏ thanh toán chế độ tiền thuốc hàng tháng cho từng người. Nếu bị ốm nhẹ không phải vào viện thì phòng y tế (nay là bệnh viện) khám và kê đơn để người bệnh đến cửa hàng dược mua và tự trả tiền. Chế độ cấp phát xà phòng, phòng hộ lao động của từng đối tượng được thanh toán bằng tiền (dựa trên cơ sở ngày công đi làm). Từ năm 1991, việc phát thưởng bằng hiện vật thay tiền hàng tháng đã bỏ hẳn. Các đơn vị như: Sản xuất vật liệu xây dựng, ngành ăn, hợp tác xã tiêu thụ, bệnh viện mỏ, nhà văn hoá thực hiện tự kinh doanh, hạch toán độc lập.
Từ cơ chế sản xuất bù lỗ thời bao cấp, năm 1989 chuyển sang cơ chế thị trường, sản xuất kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần tự lực, tự cường, tìm tòi sáng tạo các biện pháp và hướng đi phù hợp với điều kiện của mình, hết năm 1992 mỏ đã trả hết số lỗ của những năm bao cấp chuyển sang là 1,6 tỷ đồng. Từ năm 1993 sản xuất bắt đầu có lãi, lương bình quân toàn mỏ năm 1993 là 360.000 đ/người/tháng thì sang năm 1994 đã nâng lên 460.000 đ/người/tháng.
Trước sự thay đổi cơ chế, đời sống của công nhân gặp nhiều khó khăn: Thiếu việc làm, lao động dôi dư... Mỏ thiếu vật tư, chủ yếu như gỗ chống lò, thuốc nổ... không đáp ứng, thời tiết khắc nghiệt, cuối năm 1988, đầu năm 1989, tình hình tài chính khó khăn khi chuyển sang cơ chế mới. Bởi vậy, lương của công nhân thường phải nợ trung bình hơn một tháng.
Để đảm bảo sự tồn tại của mỏ trước nguy cơ đứng bên bờ vực của sự phá sản, đồng thời ổn định từng bước đời sống, những cán bộ, công nhân viên có khó khăn được công đoàn trợ cấp kịp thời. Mỏ xây dựng quỹ tương trợ theo chế độ đóng góp bình quân, trước hết hỗ trợ cho cán bộ, công nhân viên về nghỉ chế độ hàng năm hoặc xin thôi việc.
Nhằm giải quyết kịp thời tiền lương cho công nhân, cuối năm 1988 đầu năm 1989 do tiền mặt khan hiếm, mỏ phải buộc trích trả cho cơ quan đơn vị dịch vụ lấy tiền mặt từ 5-10%, có đợt tới 15% tổng số tiền đem đổi. Bởi vậy, từ cuối năm 1989 lại đây, thanh toán lương cho cán bộ, công nhân đảm bảo kịp thời, sòng phẳng với khách hàng.
Mặc dù có nhiều khó khăn chồng chất, nhưng lãnh đạo mỏ vẫn quyết tâm từng bước cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho công nhân trên cơ sở thực lực của mình.
Từ năm 1989, nhà tập thể cấp 4 của công nhân đã từng bước được thay thế bằng nhà 3 tầng. Cuối năm 1994 đã xây dựng 3 nhà cao tầng cho 120 công nhân điều kiện sinh hoạt khép kín. Các nhà: Nội nhi, mổ, được nâng cấp mái bằng thay thế nhà cấp 4. Khu văn phòng mỏ được đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng xong đưa vào sử dụng.
Nhiều công trình phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng như: Đại tu đường nhựa lên công trường, làm mới 3km đường bê tông, có điện cao áp chiếu sáng ban đêm. Năm 1991 đã thi công hệ thống giếng khoan nước ngầm và bể chứa, tháp nước và 10km đường ống nước phục vụ sản xuất đời sống công nhân mỏ với tổng chi phí gần 300 triệu đồng. Nhằm cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân, trước hết là thợ lò, năm 1993, hệ thống nhà tắm, nhà để xe đạp, nhà hong phơi quần áo được xây dựng tại mặt bằng 56. Đặc biệt khu vui chơi giải trí của thanh niên được xây dựng với tổng chi phí gần 1,6 tỷ đồng.
Cùng với xây dựng công trình của mình, mỏ đã xây dựng ngôi nhà tình nghĩa bằng vốn của tập thể, cán bộ công nhân viên đóng góp là 7,9 triệu đồng.
Năm 1988-1990 đã bỏ vốn tự có xây dựng công trình học tập và đóng góp vào hoạt động xã hội ở huyện Đông Triều và thị trấn Mạo Khê gần 100 triệu đồng. Năm 1993 đóng góp quỹ xây dựng trường cấp II Mạo Khê, giúp các trường, các cơ quan, đoàn thể xung quanh, quỹ nhân đạo, quỹ từ thiện trên 300 triệu đồng.
Đời sống vật chất được cải thiện và từng bước nâng cao, cuộc sống tinh thần cũng có bước tiến bộ. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển khá sôi nổi, hội diễn, hội thao hàng năm được đông đảo anh em phân xưởng, phòng ban tham gia.
Tám năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986). Thực hiện đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới nếp nghĩ cách làm. Từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa với cơ chế thị trường, trước những khó khăn chung của tình hình kinh tế - xã hội và những khó khăn của mình, mỏ than Mạo Khê có lúc đứng trên bờ vực của sự phá sản.
Với truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mặt khác, Đảng bộ mỏ Mạo Khê đã nắm vững đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, triển khai kịp thời, có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên có phẩm chất cách mạng, luôn luôn phấn đấu vì lợi ích chung, phát huy quyền làm chủ của mình trong mọi lĩnh vực. Vì vậy, đã đưa mỏ vượt qua thử thách, chẳng những trụ vững mà ngày càng phát triển.
Tháng 1 năm 1996, Đảng bộ mỏ than Mạo Khê tiến hành Đại hội Đảng lần thứ 24 - đánh giá 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, Đại hội nhận định:
Sau mười năm đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII của Đảng, tình hình kinh tế- xã hội nước ta đã có những chuyển biến tích cực, vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đi vào thế ổn định... Với mỏ, nhiều chỉ tiêu quan trọng về sản xuất, chăm lo đời sống đều đạt và vượt mức đề ra. Những kết quả về sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng và các mặt quản lý của xí nghiệp tạo thế vững chắc cho những năm tiếp theo, góp phần làm cho đất mỏ thay da đổi thịt, đời sống người lao động được ổn định, các hoạt động văn hoá thể thao phát triển. Đặc biệt là chủ trương đúng đắn của Đảng bộ về đầu tư để duy trì sản xuất từ nhiều năm trước đã phát huy tác dụng. Đó là bằng chứng hùng hồn khẳng định thành công của 10 năm thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng ta đề xướng và lãnh đạo.
Cùng với khẳng định những kết quả đã đạt được, Đại hội chỉ ra những thiếu sót trong quá trình thực hiện Công cuộc đổi mới là: Sự chuyển biến về mặt quản lý xí nghiệp theo yêu cầu của sự nghiệp đổi mới còn chậm, tình hình quan liêu thiếu trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật giảm sút, không phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ trong một bộ phận cán bộ đảng viên đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và một số cán bộ chủ chốt đã và đang là nguy cơ gây thiệt hại và kìm hãm sự phát triển của Mỏ. Việc triển khai thiết kế, thi công một số công trình lớn và quan trọng chưa theo đúng thủ tục, nguyên tắc hoặc những quy định hiện hành. Hợp đồng kinh tế còn nhiều sai sót do chủ quan tạo ra, đã gây nên những thiệt hại kinh tế không nhỏ của tập thể. Công tác chỉ huy điều hành triển khai Nghị quyết còn nhiều lúng túng, trì trệ, nhất là ở cấp xí nghiệp, nên giải quyết các công trình, phần việc thiếu dứt điểm. Hồ sơ pháp lý cho quản lý điều hành như: Quy chế làm việc, định mức kinh tế kỹ thuật, ít được bổ sung hoàn thiện...
Bước vào thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Đại hội chỉ ra những khó khăn và thuận lợi của mỏ là: Bên cạnh những thiếu sót, tồn tại trong quản lý xí nghiệp, tình hình xã hội nhiều khó khăn phức tạp, tiêu cực xã hội nhiều và trầm trọng. Thị trường tiêu thụ còn khó khăn, nguồn mua vật tư thiết bị chuyên dùng chưa đi vào đầu mối quản lý thống nhất. Diện sản xuất của mỏ vẫn thiếu vì phải tiếp tục thăm dò khấu vét. Tình trạng bố trí việc làm vẫn chưa ổn định, nhất là mùa mưa.
Năm 1996, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng và chiến lược phát triển ngành than 1996-2000. Tình hình đất nước có bước phát triển quan trọng, vượt ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ngành than được tổ chức lại, năng lực sản xuất được phát huy. Ngày 10-10-1994, Tổng Công ty than Việt Nam được thành lập, theo Quyết định số 563-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mỏ than Mạo Khê trở thành thành viên của Tổng Công ty Than Việt Nam: Từ đơn vị hoạch toán phụ thuộc trở thành đơn vị hoạch toán độc lập, quyền tự chủ sản xuất kinh doanh được tăng thêm đó là một thuận lợi lớn cho mỏ. Mặt khác, sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp trên giao chỉ tiêu về tiêu thụ than vào nhà máy nhiệt điện Phả Lại ổn định trong nhiều năm là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho việc sản xuất kinh doanh của Mỏ.
Trên cơ sở những khó khăn và thuận lợi đó, Đại hội lần thứ 24 đề ra mục tiêu chung cho những năm 1996-1998 là:
“Lo đủ việc làm và ổn định thu nhập cho cán bộ công nhân viên bằng kinh doanh tổng hợp trên cơ sở sản xuất than. Thực hiện nghiêm túc kỹ thuật cơ bản, tiết kiệm triệt để trong sản xuất và tiêu dùng. Mạnh dạn đổi mới quản lý kỹ thuật và công nghệ để tăng năng suất lao động trong đào lò đá và khai thác than. Chuẩn bị đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật, cơ sở sản xuất để đưa diện sản xuất mới và công nghệ mới vào hoạt động đạt năng suất và hiệu quả cao”.
Tháng 8 năm 1998, Đảng bộ mỏ than Mạo Khê tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ 25, tiếp tục đề ra phương hướng nhiệm vụ từ năm 1998-2000 là: Phát huy nội lực, thực hiện mục tiêu “Sản xuất kinh doanh có lãi, ổn định việc làm và thu nhập cho cán bộ công nhân viên chức, chuẩn bị thật tốt điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để đạt được sản lượng than cao vào những năm sau năm 2000”.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ nhiều khó khăn khách quan tác động đến sản xuất kinh doanh của Mỏ. Năm 1996 lò xuyên vỉa Tây Bắc I -80 bị bục nước, hai lò chợ bị dột nước kéo dài. Cuối năm 1997, đầu năm 1998, khủng hoảng tài chính ở một số nước Nam Á và Đông Nam châu Á làm cho thị trường bị thu hẹp, tiêu thụ than khó khăn, nhất là than xuất khẩu. Yêu cầu về chất lượng của khách hàng ngày càng cao và khắt khe hơn, giá bán than giảm, ngành than phải giảm bớt sản lượng khai thác, các xí nghiệp phải giảm việc làm, lao động dôi dư.
Ngày 11 tháng 1 năm 1999, sự cố nổ khí mêtan ở Mạo Khê, gây thiệt hại lớn về người và của (19 công nhân bị chết). Sau đó, Tổng Công ty than Việt Nam chuyển chế" độ làm việc từ mỏ có khí nổ loại 1 lên khí nổ loại 3, buộc mỏ phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất và xây dựng cơ bản.
Do mất cân đối giữa “cung và cầu” của ngành trong sản xuất và tiêu thụ, Công ty phải giảm nhịp độ sản xuất từ 6 ngày xuống 5 ngày trong một tuần nên lao động dôi dư, công nhân thiếu việc làm. Quý IV năm 1999, Tổng Công ty than Việt Nam quyết định sáp nhập xí nghiệp than Tràng Bạch vào, nâng tổng số cán bộ công nhân viên lên 4.500 người, sức ép về lao động và việc làm ngày càng tăng. Nhiệm vụ sản xuất cũng như chăm lo đời sống của cán bộ công nhân viên ngày một nặng nề hơn.
Để vượt qua những khó khăn thử thách hoàn thành được nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ lần thứ 24 và 25 đề ra, nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước hàng năm, lãnh đạo Mỏ đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy truyền thống lao động cần cù sáng tạo của cán bộ công nhân viên trong Công ty.
Đoàn thanh niên Mỏ phát huy vai trò xung kích với phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “tuổi trẻ giữ nước”, “thanh niên tham gia quản lý”, “đoàn kết 3 lực lượng”, giữ gìn trật tự trị an, phòng chống tệ nạn ma tuý. Để thực hiện tốt chương trình đề ra, Đoàn đã xây dựng Nghị quyết liên tịch với Công đoàn và giám đốc Công ty để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh... nhiều đường lò, đội xe máy, tổ sản xuất thanh niên quản lý ra đời.
Công đoàn Mỏ đã cùng chuyên môn xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh, kiểm tra kỹ thuật cơ bản, an toàn lao động, phát huy phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật; phấn đấu đạt danh hiệu “lao động giỏi, gương mẫu và tài năng”; “phát huy sáng kiến, hợp lý hoá sản xuất”. Sản xuất “an toàn - chất lượng - hiệu quả”. Phụ nữ phấn đấu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Phong trào thi đua đã thúc đẩy sản xuất, hàng năm có 2,7 đến 3,14% số công nhân viên chức đạt danh hiệu lao động gương mẫu, 86% đến 90% đạt lao động giỏi; 40% đến 44% tổ sản xuất và công tác đạt loại giỏi. Nhiều đơn vị đạt được mục tiêu lò chợ công suất hơn tám vạn tấn/năm; phân xưởng KT2, KT6, KT8 và gương lò đã đào nhanh 500 mét gương/năm như phân xưởng đá 4.
Cùng với phát động các phong trào thi đua mỏ tiếp tục đổi mới trên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Công tác quy hoạch khai thác than được điều chỉnh lại cho phù hợp với từng thời kỳ, căn cứ vào thị trường tiêu thụ từng thời kỳ điều chỉnh chỉ tiêu sản xuất trong khuôn khổ kế hoạch tiêu thụ, nhằm hạn chế sức ép về tiền vốn và mức than tồn kho, chuyển các phân xưởng lò than chất lượng xấu vào khai thác ở các diện sản xuất than có chất lượng tốt hơn nhằm tăng lượng than tiêu thụ và doanh thu.
Trước sức ép về việc làm và lao động dôi dư, công tác tổ chức quản lý cũng phải được đổi mới. Theo yêu cầu của tổ chức sản xuất, từng thời kỳ, Mỏ sắp xếp tổ chức lại bộ máy và bố trí lao động hợp lý các cơ sở sản xuất theo chuyên môn hoá của dây chuyền sản xuất, nhằm giảm ùn tắc trong công việc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh... Bổ sung thêm chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ cho các chức danh quản lý điều hành trong đơn vị sản xuất và công tác; kịp thời xây dựng quy chế trả lương, thưởng cho từng đối tượng lao động để khuyến khích người lao động quan tâm đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Công tác quản lý kinh tế tài chính, thực hiện cơ chế kế toán mới, xây dựng đội ngũ kế toán và thực hiện hoạch toán kinh tế, tiến hành kiểm toán nội bộ, phát hiện những thiếu sót, đề xuất biện pháp khắc phục nhằm hoàn thiện dần công tác quản lý tài chính. Kịp thời xây dựng sửa đổi quy chế tiền lương, thưởng và năng suất lao động bằng hiện vật. Do năng động trong công tác quản lý tài chính, quản lý lao động linh hoạt hơn đã giảm được lãi vay: Năm 1999: 500 triệu đồng; năm 2000 giảm gần 1/3 tỷ đồng để đưa vào giảm giá thành sản phẩm.
Quán triệt chủ trương triệt để tiết kiệm trong chi tiêu và sản xuất, Mỏ thực hiện đấu thầu làm đất đá than lộ vỉa, chỉnh lý các định mức về nhiên liệu động lực. Giao định mức tiêu thụ điện năng theo khối lượng sản phẩm. Tận thu sắt lòng mo và vật tư không sử dụng ở các phân xưởng về kho. Cân đối giữa sử dụng và tiêu thụ tồn kho giải quyết vấn đề ứ đọng vốn. Tích cực tự bảo dưỡng xe máy thiết bị và khả năng chế" tạo phụ tùng, lắp đặt thiết bị phục vụ sản xuất cũng như kiến thiết cơ bản để không phải thuê ngoài. Những việc làm đó mang lại kết quả: Năm 1999, hạn chế" mua vật tư mới đã tiết kiệm được 47 tỷ đồng, bán vật tư không dùng được trong sản xuất là 1,635 tỷ đồng; Huy động tồn kho ứ đọng vốn (giá tài nguyên vật liệu, chi tiết phụ tùng tồn kho), giảm 9,434 triệu đồng so với năm 1998.
Đồng thời, với tăng cường công tác quản lý tài chính triệt để tiết kiệm, Mỏ mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ, nhằm giảm tiêu hao vật tư; gỗ, sắt thép chống lò như: Tận dụng sắt lòng mo thu hồi làm cũi lợn ở lò chợ khai thác 2, khai thác 6 và khai thác 9, thí điểm dùng neo ống ở các đường lò có điều kiện cho phép. Các vỉa có độ dốc >500 (cánh tây) ở lò chợ vỉa 7, Tầng mức -25+30; áp dụng phương pháp khấu buồng để bảo đảm an toàn hơn; đồng thời tận thu tài nguyên, nâng cao năng suất lao động... Vì vậy, hệ số tổn thất than khai thác hầm lò giảm 8,41%, tiêu hao gỗ chống lò giảm 7,22%. Mức giảm giá thành khai thác than lò chợ đạt 1.540 đồng/tấn.
Sau sự cố nổ khí mêtan ở Mỏ, Tổng Công ty than Việt Nam quyết định, mỏ phải tạm ngừng sản xuất để thực hiện chuyển chế độ làm việc trong điều kiện mỏ có khí nổ loại 1 lên loại 3. Chỉ trong 2 tuần, Mỏ đã kiểm định và thay đổi toàn bộ thiết bị trong dây chuyền sản xuất đang hoạt động bằng những thiết bị mới và lắp đặt hệ thống cảnh báo khí mêtan ở khu vực -25/+30. Thiết kế chế tạo hệ thống thông gió ở khu vực -25. Đánh giá tác động môi trường ở Mỏ, xử lý nước thải hầm lò, bổ sung, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Biên soạn lại, bổ sung hàng loạt quy trình đào chống lò và khai thác than, quá trình nổ mìn, thông gió, thử khí... Các quy trình vận hành, thiết bị sửa chữa,... lập đầy đủ biện pháp kỹ thuật cho các công trình thi công. Tăng cường các biện pháp quản lý, giao ca hiện trường, huấn luyện lại hàng ngàn công nhân, cán bộ. Thường xuyên kiểm tra, chỉnh lại hệ thống điện nguồn 24 bộ thu lôi lắp đặt trên mạng 610W, thu lôi 35KV... Đồng thời, kiểm tra chỉnh định sửa chữa lại thiết bị theo đúng định kỳ. Mặt khác, tổ chức lại khâu vận tải trong lò. Thu hồi trạm ATIII-500/275, tàu điện cần vẹt, tuyến điện Trolay, thay thế và trang bị 14 tầu ác quy, thiết lập biểu đồ tổ chức vận tải, dần dần củng cố công tác vận tải trong lò.
Tiếp tục thực hiện chủ trương triệt để tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, tháng 5-1999, Mỏ đưa cột thuỷ lực đơn Trung Quốc vào lò chợ vỉa 9 Tây phân xưởng KT4, giảm gỗ chống lò từ 43m3/1000 tấn than xuống còn 15m3/1.000 tấn than. Các lò chợ đều dùng cũi lợn sắt lòng mo và bước đầu áp dụng cũi lợn sắt cải tiến giảm 8m3 gỗ/1000 tấn than. Những vỉa than có độ dốc >500 đều áp dụng công nghệ bắn buồng (các vỉa 65+5, 9 khu 56). Đối với lò đá, tổ chức khảo sát để áp dụng chống neo phun bê tông ở tổ XV TB1. Do đưa công nghệ mới vào khai thác nên chỉ tiêu hao gỗ chống lò đã giảm 30,33m3/1.000 tấn than.
Cùng với việc tập trung chỉ đạo đưa công nghệ mới vào lò để sản xuất, Mỏ tích cực đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản, nhằm duy trì và mở rộng sản xuất, với phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thường xuyên điều chỉnh để phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh hiện tại và tương lai. Kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất kinh doanh với cải thiện điều kiện làm việc của cán bộ công nhân viên.
Từ năm 1996-2000, Công ty tập trung mở vỉa khu vực -25 lập sơ đồ, khai thác một số lò vỉa dốc để tận thu tài nguyên, duy trì công suất; đồng thời cải tạo thương phẩm than. Từ năm 1998, tập trung các công trình hầm lò chủ yếu là -80, chuẩn bị diện cho năm 2002, được sự quan tâm của Tổng Công ty than Việt Nam và sự giúp đỡ của chuyên gia Trung Quốc Mỏ đưa công nghệ Bơm phụt vữa khôi phục xử lý phay FA và đào lò xuyên vỉa Tây Bắc I, tổ chức đào lò qua phay, nghiên cứu và thi công hoàn thiện khai thác vỉa dốc tầng -25+30 từ vỉa 6; sau đó mở rộng ra vỉa khác ở cánh tây -25+30 và những công trình mặt bằng thiết thực như: Trạm quạt Bok -1,5 mức +124. Thi công hệ thống đường bê tông (1.500m trị giá hơn 800 triệu đồng). Trạm khí nén trung tâm, cải tạo Bến cân, nâng cấp nhà che gỗ 2.000m3, nhà tắm công trường, nhà điều hành và nhà chỉ đạo sản xuất, trạm cảnh báo khí mêtan khu vực -25/+30, băng tải số 4, số 5, các loại thiết bị phục vụ vận tải, đào lò và khai thác than. Cùng với chuẩn bị đầu tư lâu dài, mỏ chú ý đầu tư cho các ngành sản xuất khác như: Dây chuyền nghiền đá Bôxit, lò gạch 80.000 viên, sàng than phụ phẩm để giải quyết việc làm và thu nhập cho hơn 100 lao động.
Do có nhiều biện pháp đầu tư và mở rộng sản xuất phù hợp với từng thời kỳ, sản lượng khai thác than nguyên khai của mỏ mỗi năm một tăng lên: Năm 1993: 347.091 tấn, đạt 104,3%; năm 1996: 486.655 tấn, đạt 115,57%; năm 2000: 764.737 tấn, đạt 104,19% kế hoạch. Sản lượng than sạch: 1993: 284.383 tấn, đạt 103%; năm 1996: 428.937 tấn, đạt 115,93%; năm 2000: 664.111 tấn, đạt 102,4% so với kế hoạch.
Nhằm bảo đảm an toàn trong sản xuất và đời sống của cán bộ công nhân viên, sau khi sự cố nổ khí mêtan xảy ra, Đại hội đại biểu công nhân viên chức kỳ I năm 1999 xác định “Công tác an toàn và bảo hộ lao động là việc làm vừa có tính pháp luật, vừa có có tính liên ngành”.
Đại hội đại biểu công nhân viên chức của Mỏ năm 2000 tiếp tục khẳng định: “Mỗi vụ tai nạn lao động xảy ra đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan, có trách nhiệm của những người làm công tác quản lý từ giám đốc đến phân xưởng, tổ đội. Chúng ta phải thường xuyên chấn chỉnh và kiện toàn công tác an toàn bảo hộ lao động, thay đổi hình thức hoạt động, kiểm tra giám sát chặt chẽ về bảo hộ lao động, cần chú trọng chất lượng, chấm dứt những tồn tại mà Đại hội công nhân viên chức các đơn vị đã kiến nghị. Đại hội cũng đề ra mục tiêu công tác an toàn và bảo hộ lao động năm 2000 là: “Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp quản lý kỹ thuật cơ bản - An toàn - Bảo hộ lao động, bằng những phương pháp thiết thực nhất để mỗi cán bộ công nhân viên chức, mỗi cơ sở sản xuất thấy rõ trách nhiệm và nâng cao ý thức trách nhiệm của mình”.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ đề ra, Mỏ đã tiến hành đồng bộ các mặt ở nhiều khâu: Huấn luyện cho cán bộ, công nhân làm việc trong mỏ có khí nổ loại III, huấn luyện cán bộ quản lý sử dụng máy đo khí, bình tự cứu, theo định kỳ. Mạng lưới an toàn viên với 164 người được bố trí đủ cho các tổ sản xuất; thường xuyên duy trì nhận xét đánh giá về mạng lưới an toàn viên. Nhiều hình thức tuyên truyền cổ động như pa-nô, áp phích, khẩu hiệu, biển báo, phát thanh chuyên đề, giúp cán bộ công nhân viên nhận thức đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm về công tác an toàn, bảo hộ lao động. Hàng quý lập kế hoạch bảo hộ lao động và giao kế hoạch cho các đơn vị thực hiện... phun nước chống bụi, củng cố lại hệ thống chống bụi ở các điểm rót tải than; thường xuyên kiểm tra chuyên đề, tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cửa lò, cấp thẻ cho cán bộ công nhân viên làm việc trong lò, phân công cụ thể trách nhiệm, ghi chép nhật ký cụ thể, mua sắm, trang cấp kịp thời các phương tiện kiểm tra ứng cứu và phòng hộ như thiết bị kiểm tra cấp cứu 7 loại với 208 phương tiện giá trị 331.103.000 đồng và trang cấp hàng ngàn bộ quần áo, ủng, giầy vải, khăn mặt, khẩu trang, nón lá, mũ... trị giá 800 triệu đồng.
Tiếp tục bổ sung sửa đổi các quy trình, nội quy. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, tích cực mua sắm trang thiết bị và trang cấp phòng hộ lao động. Xây dựng quy chế khen thưởng, nghiêm khắc xử lý, chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy trình quy phạm kỹ thuật, nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất. Tổ chức huấn luyện cho 4.500 lượt/người về cấp cứu bán chuyên, kiến thức về vật liệu cháy nổ và các thiết bị máy móc, thi an toàn viên, giúp cho người lao động nắm được quy trình quy phạm và biện pháp làm việc an toàn, tạo cho người lao động luôn có ý thức bảo vệ mình và người xung quanh đảm bảo an toàn trong lao động. Vì vậy, tai nạn lao động năm 2000 giảm hơn 50% so với năm 1999.
Sản xuất và bảo vệ sản xuất là hai van đề có liên quan mật thiết với nhau. Trong điều kiện xã hội nẩy sinh những vấn đề phức tạp, tệ nạn khai thác than trái phép, gây lãng phí và phá hoại tài nguyên môi trường diễn ra trầm trọng, thì công tác bảo vệ càng trở nên quan trọng.
Nhằm đảm bảo cho sản xuất và đời sống cũng như tài sản, Mỏ đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, huấn luyện quân sự, xây dựng phương án bảo vệ tài sản, tài nguyên. Tăng cường các biện pháp giáo dục, kết hợp với biện pháp hành chính đối với các hiện tượng tiêu cực xâm phạm tài sản, tài nguyên của doanh nghiệp. Triển khai mô hình tự quản từ mỏ đến các đơn vị, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của công nhân viên chức. Tăng cường hiệu lực quản lý nhằm giữ vững sản xuất, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trong Mỏ, kết hợp với địa phương xây dựng cụm an ninh khu vực, xây dựng phương án phòng chống bão, phòng cháy, chữa cháy... giải quyết đơn khiếu nại, đề nghị lãnh đạo Mỏ xử lý các vụ tiêu cực, vi phạm chính sách, trộm cắp tài sản, đào than trái phép, đánh bạc. Do vậy, các vụ việc vi phạm trật tự an ninh ngày một giảm, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh phát huy tác dụng tốt.
Sản xuất và tiêu thụ là hai khâu trong một hệ thống có liên quan mật thiết với nhau, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Năm 1998, tiêu thụ sản phẩm của toàn ngành có nhiều khó khăn, Mỏ chỉ đạt 100.240 triệu đồng, bằng 93,54% kế hoạch, giảm 7,24% so với năm 1997. Về số lượng, chủng loại đều giảm so với năm 1997. Do chưa đạt sản lượng tiêu thụ, nên than cục giảm 8.200 tấn; các loại than khác giảm 1.096 tấn. Cũng do chưa đảm bảo được số lượng và chất lượng theo kế hoạch nên than cám 4 giảm 19.031 tấn. Từ đó, mỏ rút ra kinh nghiệm: “Vấn đề số lượng, chất lượng quyết định lớn đến doanh thu. Vì vậy, cần nhận thức đầy đủ, sớm điều chỉnh mới có thể mang lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh trong những năm tới”.
Do khó khăn về thị trường, than sản xuất ra bị ứ đọng nhiều, từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1999, toàn ngành than phải giảm sản xuất, giảm sản lượng than, tăng cường tiêu thụ để giảm tồn kho. Mỏ có nhiều biện pháp như: Làm tốt công tác nghiệm thu chất lượng sản phẩm, chuẩn bị chân hàng kịp thời, đổi mới và đẩy mạnh công tác tiếp thị, sản xuất đa dạng sản phẩm, cỡ hạt, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Chuyển các phân xưởng lò than vào khai thác ở các diện sản xuất than có chất lượng tốt hơn (làm cho than cám 4b vào diện đạt 70-80%). Tiếp tục quy hoạch, xây dựng kho chứa than, bổ sung việc lắp đặt hệ thống băng tải, tạo điều kiện cho tiêu thụ nhanh. Tích cực khai thác các hợp đồng kinh tế giữ chân khách hàng cũ như: Điện Phả Lại, Công ty chế biến than Hà Bắc. Tăng cường mối quan hệ với Công ty hoá chất phân đạm Hà Bắc, mở rộng thị trường tiêu thụ than cám 4a là Xi măng Lam Thạch, thị trường khu vực Tây Bắc, Thanh Hoá, một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng xung quanh Mỏ... Tăng cường công tác tiếp thị, mở rộng thêm thị trường các tỉnh đồng bằng. Cải tiến phương pháp bán hàng hợp lý, áp dụng linh hoạt các hình thức trao đổi vật tư - than... Chấn chỉnh công tác tiêu thụ, tiếp đón niềm nở với khách hàng, kiên quyết với những trường hợp gây nhũng nhiễu, phiền hà cho khách hàng, tạo điều kiện cho họ lấy hàng nhanh, thuận lợi. Nhờ vậy, năm 1999, sản lượng tiêu thụ là 532.554 tấn, tăng 4,31% so với cùng kỳ năm 1998. Năm 2000, mỏ đã tiêu thụ 735.000 tấn (trong đó 400 ngàn tấn than vào điện, hơn 335 ngàn tấn than ngoài).
Hoạt động sản xuất kinh doanh được gắn chặt với công tác chăm lo đời sống người lao động. Với quan điểm “Con người là yếu tố quyết định mọi vấn đề”, “Hiệu quả lớn nhất sản xuất kinh doanh là nâng cao đời sống vật chất văn hoá tinh thần của người lao động”. Từ nhận thức đúng đắn đó, Mỏ đã từng bước khắc phục khó khăn, bảo đảm cho công nhân đủ việc làm và có thu nhập, lương bình quân mỗi năm một tăng (năm 1993: 392.640 đồng/người/tháng; năm 1995: 808.500 đồng/người/tháng; năm 2000: 976.815 đồng/người/tháng), cải thiện điều kiện lao động, môi sinh, môi trường và sinh hoạt khác của cán bộ công nhân viên như duy trì: Chế" độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, các suất ăn giữa ca và sau ca, bảo đảm định lượng, nâng cao chất lượng.... Tổ chức xây dựng nâng cấp hệ thống nước, nhà tắm, nước máy 4 mùa, nhà hong phơi quần áo cho công nhân. Lập phiếu khám chữa bệnh cho công nhân viên chức, khám bệnh định kỳ cho người làm việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại, khám bệnh nghề nghiệp, tổ chức cho cán bộ công nhân viên đi điều dưỡng tham quan trong và ngoài nước,... điều trị cứu chữa người bệnh của mỏ và nhân dân khu vực. Thường xuyên thăm hỏi tặng quà những gia đình công nhân bị tai nạn và thương binh, bộ đội chuyển ngành về mỏ làm việc.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Thương người như thể thương thân”, tập thể cán bộ công nhân viên chức mỏ hưởng ứng tích cực các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “từ thiện” giúp gia đình có người bị tai nạn lao động trong và ngoài doanh nghiệp, hỗ trợ địa phương và gia đình nghèo, giúp đỡ đồng bào bị bão lụt, đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, phụng dưỡng 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng.... Xây nhà tình nghĩa, nhận đỡ đầu 2 con liệt sĩ. Hỗ trợ kinh phí phối hợp với địa phương bảo vệ trị an, xây dựng trường học, nâng cấp một số tuyến đường chính thị trấn...
Đi đôi với nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần của cán bộ công nhân viên cũng được chú ý. Mỏ thường xuyên duy trì hoạt động của đài truyền thanh, thư viện, nhà truyền thống, pa nô, áp phích, tranh cổ động... để tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, của cấp trên và mỏ đến với cán bộ công nhân đồng thời phản ánh tâm tư nguyện vọng tình cảm, ý chí của cán bộ công nhân, phong trào thể dục thể thao văn hoá văn nghệ phát triển mạnh mẽ tạo không khí vui tươi phấn khởi, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất.
Từ năm 1998 đến năm 2000 trong các phong trào thi đua “An toàn, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm”, “Sáng kiến hợp lý hoá sản xuất” có 630 sáng kiến thì 487 sáng kiến được áp dụng giải quyết khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển làm lợi cho Mỏ nhiều tỷ đồng. 498 cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua (trong đó có 16 đạt cấp Công ty, 3 cấp Bộ, 2 chiến sĩ thi đua toàn quốc); 244 tổ đội, phân xưởng đạt danh hiệu lao động xuất sắc; 262 tổ đội và 5.936 công nhân đạt danh hiệu lao động giỏi. Đoàn thanh niên, công đoàn mỏ nhiều năm được công nhận đạt danh hiệu vững mạnh.
Trong quá trình chuyển đổi cơ chế, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, lâm vào tình trạng khủng hoảng. Vai trò của tổ chức Đảng càng trở nên quan trọng trong sản xuất - kinh doanh và đời sống của cán bộ công nhân viên chức trong mỏ. Nhằm khắc phục những khó khăn trên thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, cải thiện đời sống, Đảng bộ đã tập trung cụ thể hoá đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền giáo dục cán bộ, đảng viên và cán bộ công nhân viên bình tĩnh trước những khó khăn thử thách, hiểu và thông cảm với những khó khăn chung của đất nước, cùng nhau đồng lòng góp sức tháo gỡ khó khăn, hướng tới mục tiêu “An toàn - chất lượng - tiết kiệm - hiệu quả”, duy trì ổn định sản xuất và đời sống... Tổ chức học tập nâng cao trình độ chính trị chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên, sắp xếp tổ chức, quy hoạch đào tạo cán bộ cho Mỏ.
Từ năm 1994 đến tháng 6-2000 toàn Đảng bộ đã kết nạp được 238 công nhân ưu tú vào Đảng đưa tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ lên 952 đảng viên. Hàng chục người được đề bạt tổ đội trưởng, phó quản đốc, quản lý phân xưởng, phòng ban trở lên. Hàng trăm người được đào tạo lý luận, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, số tiền giành cho đào tạo từ 1997-1999 là 1 tỷ 300 ngàn đồng.
(Còn tiếp....)
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay12,736
  • Tháng hiện tại251,510
  • Tổng lượt truy cập9,778,257
chay trai
qc chay phaiii
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây