r

"65 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG NHÂN CÔNG TY THAN MẠO KHÊ" - Phần 5.

Thứ ba - 15/10/2019 15:29
PHẦN THỨ HAI
MỎ MẠO KHÊ TRONG THỜI KỲ KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN 
(1954 - 2004)
CHƯƠNG IV
KHÔI PHỤC SẢN XUẤT, CỦNG CỐ HỆ THỐNG TỔ CHỨC 
VÀ BỘ MÁY (1954-1960)
 
Quân giải phóng về tiếp quản khu mỏ ngày 22/4/1955
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ, chấn động địa cầu. Miền Bắc nước ta hoàn toàn được giải phóng, miền Nam tạm thời nằm dưới ách thống trị của kẻ thù. Cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết giữa Chính phủ ta và Chính phủ Pháp, tháng 9 năm 1945, Cục khai khoáng đã giao nhiệm vụ cho một số cán bộ về khôi phục mỏ than Mạo Khê.
Trong 9 năm kháng chiến, ta phá không cho thực dân Pháp khai thác, nhà sàng nhà máy cơ khí, nhà máy điện, nhiều cửa lò…đều bị ta đánh sập, mỏ Mạo Khê biến thành hoang tàn, lau sậy rậm rạp lút đầu. Mạo Khê và Bến Cân lại nằm trong khu phi quân sự giữa ta và Pháp. Bởi vậy, cán bộ ta về khôi phục chưa về mỏ, mà làm 2 gian nhà tranh ở bờ suối Miếu Hương để ở và làm việc.
Tháng 10 năm 1954, trên điều 2 đồng chí Nguyễn Tất Dần và Nguyễn Văn Ninh, tiếp đó là đồng chí Hà Tiến Thế là cán bộ của sở Quân giới Liên khu 3-4 về; tháng 12 năm 1954 lại được bổ sung thêm các đồng chí Lê Thảo, Ngô Lan và Nguyễn Đình Dụ (biết về mỏ) lập nên Ban khôi phục mỏ gồm 5 đồng chí: Nguyễn Tất Dần, Hà Thế Tiến, Nguyễn Văn Ninh, Ngô Lan và Nguyễn Đình Dụ, đồng chí Lê Thảo được chỉ định làm quản đốc kiêm Bí thư chi bộ.
Nhiệm vụ của Ban khôi phục là tìm mọi cách làm ra than để cung cấp cho nhà máy điện Hà Nội, vì lúc đó Hồng Gai, Cẩm Phả vẫn làm trong khu vực tập kết 300 ngày của Pháp trước khi chúng rút quân, chủ Pháp không bán than cho ta.
Ban đầu vừa tìm  hiểu mỏ Mạo Khê, vừa nghiên cứu khai thác Hồ Thiên cách Miếu Hương 10 km, chưa có ai khai thác, chưa có đường vào.
Chiến tranh, người đi kháng chiến và sơ tán chưa về. Vì vậy, chưa có công nhân. Người thợ lò đầu tiên tuyển được là ông Nguyễn Đình Khuể cùng với hai người ở địa phương là ông: Nguyễn Văn Môn và chú bé Nguyễn Văn Uy (nay là ông lang thuốc Bắc ở phố Mạo Khê) được giao nhiệm vụ khai phá lộ vỉa Hồ Thiên. Cuối năm 1954 trên điều một số cán bộ công nhân quân giới Nam bộ và Liên khu V tập kết ra Bắc cùng đoàn cán bộ, công nhân ngành dệt (vào hạ tuần tháng 11) về, tất cả hơn 40 người. Đây là lớp công nhân đầu tiên của mỏ. Họ bắt tay vào chặt gỗ, dựng lán trại ở, chặt gỗ chống lò khai thác lộ vỉa Hồ Thiên. Một thời gian ngắn ra than, nhưng không có đường vận chuyển ra ngoài. Ban khôi phục xin huyện Đông Triều huy động dân công các xã lân cận làm đường ô tô từ Miếu Hương vào Hồ Thiên gần 10 km. Tỉnh ủy Hải Dương điều 10 ô tô khách về chở than từ Hồ Thiên ra Miếu Hương – công nhân tìm kiếm những thùng tôn về làm lại thành máng rót than xuống thuyền chở ra Bến Triều, sang mạn sà lan chở đi Hà Nội.
Trong khi khai thác mỏ Hồ Thiên, Ban khôi phục nghiên cứu khôi phục mỏ Mạo Khê. Đây là công việc cực kỳ khó khăn gian khổ mà công nhân ở mọi miền Tổ quốc về đây hội tụ, sẵn sàng gánh vác, vì dòng điện của Thủ đô, trái tim của cả nước, ngày mới giải phóng.
Trước khi rút lui, chủ mỏ thực dân Pháp không để lại một tài liệu gì, số cán bộ về đây chỉ có hai cán bộ biết kỹ thuật mỏ, nhưng chưa từng làm ở Mạo Khê, nên không nắm được tình hình, một thời gian ngắn lại được điều động đi nơi khác. Dụng cụ khai thác chỉ được cấp một số xẻng của bộ đội ở làng Cẩm Thái Nguyên, mỏ phải thuê 2 xe xích lô chở về. Còn tất cả các dụng cụ khác đều phải tự túc, lên tận chợ trời Hà Nội mua từng con dao, cái cuốc, chiếc liềm, búa, đe, quạt thổi lò rèn, vì đồng bào xung quanh mỏ con đi sơ tán đang tiếp tục hồi cư, nhà cửa thưa thớt, chưa có ai sản xuất và bán dụng cụ này.
Sang đầu năm 1955, mỏ vẫn chưa tuyển được công nhân địa phương, vì địch cài tay sai lại phao tin: nay mai Pháp sẽ về thu hồi lại mỏ, nên không ai dám vào làm mỏ. Cấp trên đã điều một đại đội thanh niên xung phong 167 người, một số công nhân Quân giới Liên khu V tập kết ra Bắc, một số công nhân Liên khu 3-4 và 24 công nhân xí nghiệp Hải Vân về Mạo Khê.
Sau sáu tháng, đại đội thanh niên xung phong được trên điều đi nơi khác.
Tháng 3 năm 1955, mỏ lại được tiếp nhận 37 công nhân từ mỏ than Bố Hạ, tháng 4 năm 1955 tiếp nhận 42 công nhân là thợ mỏ Đồi Hoa Chi Nê, Quyết Thắng, mỏ phốt phát Vĩnh Thịnh về. Sau đó, cấp trên cho tuyển dụng 25 công nhân là người xung quanh mỏ (trong đó có 10 thợ my nơ).
Đến tháng 4 năm 1955, tổng số cán bộ, công nhân của mỏ là 160 người. Bộ máy tổ chức được hình thành bao gồm ba ban (kỹ thuật, cung cấp, kế hoạch và hành chính với tổng số 35 người) và bảy đội sản xuất gồm có 125 người (trong đó có ba đội sản xuất than, một đội vận tải, một đội tiêu thụ sản phẩm). Văn phòng làm việc chuyển từ Miếu Hương về Nhà tắm cũ (gần nhà đèn). Đến tháng 6 năm 1955 mỏ đã có 9 phòng ban và bộ phận theo dõi điều hành chỉ huy sản xuất.
Cùng với việc xây dựng bộ máy chỉ huy và điều hành sản xuất, tháng 2 năm 1955, chi bộ Đảng của mỏ gồm 28 đồng chí đảng viên đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất, bầu ban chấp hành chi bộ gồm 3 đồng chí: Hà Thế Tiến – Bí thư (kiêm phó quản đốc), Nguyễn Văn Ninh thường trực, Huỳnh Biên (kiêm thư ký công đoàn); đồng chí Lê Thảo chờ trên điều về nhận công tác ở Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Tất Dần được cử làm quản đốc.
Sau khi tổ chức Đảng, chuyên môn ra đời hai tổ chức quần chúng của Đảng là công đoàn, thanh niên cũng được thành lập, Chi đoàn thanh niên có 84 đoàn viên, do đồng chí Trần Văn Thơi làm Bí thư.
Những anh em được điều về khôi phục mỏ Mạo Khê đã từng trải qua gian khổ trong kháng chiến, quen tự lực cánh sinh trong sản xuất và đời sống. Một số anh em đã quen với phong trào thi đua trong quân giới “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến thiếu thành đủ, biến cũ thành mới”. Tất cả họ quần tụ bên nhau, đồng lòng nhất trí không kêu ca phàn nàn, say sưa với công việc, bắt tay vào khôi phục mỏ.
Để sản xuất được tốt, công việc đầu tiên là ổn định nơi ăn, chốn ở cho mọi người. Mỗi người hàng ngày vào Hồ Thiên chặt gỗ, tre, róc, cọ tranh về dựng nhà ở. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có đủ nhà ở, sạp nằm bằng tre, nứa cho anh em và văn phòng làm việc.
Sau khi đã ổn định nơi ăn chốn ở, cán bộ công nhân tranh thủ sàng những đống than bãi thải thời Pháp còn lại. Vì thiếu lao động, mỏ thuê một số bà con đã sơ tán về làm khoán cho mỏ.
Bắt tay vào lao động sản xuất đã nảy nhiều khó khăn phức tạp, công cụ sản xuất cầm tay thô sơ cũng thiếu. Nhà máy cơ khí lúc này chỉ còn là khung sắt cơ khí không mái. Anh em cơ khí đã cùng cụ Tự, bác Mười là những công nhân quân giới già, không quản nắng mưa, lấy tôn quấn làm bễ thổi lửa như những thợ rèn nông thôn để rèn sống đường xe goòng thành dao cuốc, choòng phục vụ anh em lao động sản xuất.
Sau một thời gian, mỏ mua được một quạt rèn quay tay ở chợ trời Hà Nội, một máy tiện quay tay, cuối năm 1955 Cục khai khoáng cho một máy phát điện bằng hơi nước La-boóc-đờ-e 25Cv, mang về chủ yếu phát điện cho nhà máy cơ khí.
Vơ vét mãi than chủ mỏ Pháp thải còn lại cũng hết. Đầu năm 1955 cán bộ công nhân bắt tay vào việc phục hồi các lò nhưng khó khăn nhất là không có tài liệu và cán bộ kỹ thuật hiểu biết về mỏ ở Mạo Khê.
Để đảm bảo kế hoạch của bộ giao cho cùng với việc bòn vét than ở những lò ngắn như: Cốt Di (1.600 tấn), Văn Lôi (2.200 tấn), Giooc-dan (300 tấn), Sa lê (năm 1955) tích cực mở thêm các đường lò mới Giooc-dan (1956), Non Đông (1957) và Phongten (1958).
Lò chợ dốc Sa lê là lò đầu tiên được khôi phục sau ngày giải phóng, chi bộ đã bố trí một số đồng chí Chi ủy viên trực tiếp là tổ trưởng Đảng, có 3 đồng chí đảng viên làm nòng cốt. Đất nước mới được giải phóng còn gặp nhiều khó khăn; bước đầu sản xuất hoàn toàn bằng thủ công, dụng cụ cầm tay là cuốc chim, choòng, búa chặt và đục mìn. Tuy vậy với tinh thần làm chủ đất nước, anh em vui vẻ phấn khởi không quản gian lao vất vả bắt tay vào công việc. Đường lò Sa lê gọi là 55 độc đạo, chưa có lò thượng thông gió, không có quạt gió anh em đã nghĩ ra kế: đan phên, nứa dựng giàn giáo làm buồm tại cửa hứng gió đông nam thổi vào lò để đỡ nóng bức ngột ngạt.
Khi đường lò cái đã đi vào đến vỉa than, tiếp tục mở lò thượng theo phương từ lò cái lên mặt núi dài 70-80 m, vừa là lò thông hơi hút gió tự nhiên, vừa là lò chợ để khai thác than. Khi lên lò thượng phải dùng quạt lò rèn quay tay đặt ở chân lò cái có ống thổi gió lên lò thợ lò ở trên cuốc thượng lò.
Những ngày đầu tiên, mỗi mi-nơ vào lò đều phải vác một cây gỗ từ kho để vào chống lò, kể cả các tầng cao 58 hay Bình Minh. Việc đục lò đá chuẩn bị cho khai thác than đều bục bằng búa, choòng tay. Than ở các lò ra được phân loại hoàn toàn bằng thủ công. Than củ và than don đều được nhặt bằng tay, đá xít đổ đi, than don tìm mọi cách rửa, ban đầu rửa bằng sảo tre.
Mỏ đã đào một mương rộng ngăn nước ở cửa lò 56 chảy ra. Chị em phải đãi từng sảo than như đãi gạo nhặt lấy than rồi đổ đá xít đi.
Sau khi được phân loại, than cho vào các toa goòng đẩy tay ra Bến Cân.
Tháng 2 năm 1955, mỏ bắt tay vào việc khôi phục tuyến đường goòng từ Giooc-dan (56) ra Bến Cân. Cán bộ, công nhân đã tích cực thu nhặt đường ray ở mỏ, trong dân các xã xung quanh, đào bới các lô cốt của Pháp về chắp nối, lắp giáp lại. Sau 3 tháng tuyến đường sắt đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là tuyến vận chuyển quan trọng nhất của mỏ đã được hoàn thành. 
Quá trình phục hồi mỏ được gắn chặt với cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý, cải tiến phương pháp làm việc. Đây là cuộc vận động chính trị lớn nhằm nâng cao tinh thần tập thể, ý thức tự giác, cải tiến dây chuyền sản xuất, sửa đổi tác phong công tác và lề lối làm việc, tiết kiệm nguyên vật liệu, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động.
Cuộc vận động được gắn liền với phong trào thi đua “vì miền Nam ruột thịt”, ngày quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, ngày thương binh liệt sĩ 27-7, thực hiện phương pháp của chiến sĩ thi đua Đậu Thị Nhàn.
Nhờ có biện pháp đúng đắn và phong trào thi đua sôi nổi, sau 3 tháng tuyến đường vận chuyển từ Giooc-dan (56) đến Bến Cân đã được khôi phục và đưa vào sử dụng. Anh em lò Sa lê (55) năng suất lúc đầu 2 công nhân một thìu đã đưa lên 3 công 2 thìu. Có ca đã phá kỷ lục của lò thượng, chống từ 1m lên 2m rồi lên tới 3m một ca. Bởi vậy chỉ trong một tháng, lò thượng đã thủng lên mặt núi. Một tháng đã có một lò chợ đầu tiên của mỏ để mở ra sản xuất than từ 5-10 tấn một ca một ngày. Sàng than mức cũ 2 tấn, mức mới nâng lên 3 tấn, thực hiện 3,5 tấn một ngày. Nhặt than định mức tới 130 kg… đã vượt lên 170 kg. Khâu vận tải lò, trước kia 2 người đun một xe một ngày đun 11 xe, tới tháng 6 năm 1955 đã nâng lên 18-19 xe một công. Năng suất lao động toàn mỏ tăng từ 15-30%. Ở một số khâu trong từng thời điểm còn đạt kết quả cao hơn.
Khôi phục mỏ bằng hai bàn tay trắng, không được tiếp thu, kế thừa máy móc, thiết bị nhà máy, công cụ lao động của Pháp để lại. Than ở Mạo Khê sản xuất ra cung cấp cho nhà máy điện Hà Nội thắm đượm mồ hôi của công nhân. Nhưng cũng từ khó khăn gian khổ ấy, cán bộ công nhân mỏ Mạo Khê đã có nhiều sáng tạo trong lao động sản xuất. Đó là việc phục hồi đường sắt, goòng để chở than rót xuống sà lan, sản xuất quạt quay tay đặt ở các cửa lò để thông gió. Khi phục hồi lò thông gió và Non Đông, đường lò dài, quạt rèn tự chế tạo không đủ sức để đưa gió đi xa, phải trên máy khí nén nhỏ bác ống đưa gió vào. Theo quy tắc thì không được dùng máy khí nén để thông gió, nhưng không có quạt cục bộ nên buộc phải dùng máy khí nén. Lãnh đạo mỏ đã đi tham quan ở mỏ than Hà Lầm  nghiên cứu kiểu thông gió của Pháp, sau đó nhà máy cơ khí của mỏ tập trung sản xuất quạt hút gió cho mỗi tầng lò một cái.
Buổi đầu, anh chị em công nhân phải lội xuống mương, ngăn nước ở cửa lò 56 chảy ra, rửa từng xảo than như đãi gạo, nhặt lấy than còn đổ đá xít đi. Thấy chị em vất vả quá, lãnh đạo mỏ đã cùng anh em công nhân nghiên cứu làm một mặt sàng bằng tôn thùng được treo trên một cần bằng 4 sợi dây sắt cứng như cái quang, cần gốc có trụ đổ ở khoảng 1/3. Đổ than vào thùng gỗ thả xuống nước, chị em đứng trên bờ dập dềnh cho than nổi lên vớt rồi đổ xít đi.
Những sáng kiến của cán bộ công nhân mỏ Mạo Khê chưa nhiều nhưng có ý nghĩa thật lớn lao. Chẳng những nó cải thiện điều kiện, tiết kiệm sức, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm…mà còn thể hiện tinh thần làm chủ đất nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và tập thể công nhân viên. Mặt khác nó thể hiện rõ nét bản chất tiên tiến cách mạng của giai cấp công nhân. Từ năm 1955 – 1957, ba năm khôi phục và đi vào sản xuất, cùng với việc khôi phục các đường lò cũ mở thêm các đường lò mới ở (55), mỏ Mạo Khê đã sửa chữa được trên 80 xe goòng, phục hồi 5.000 m đường sắt, lập là, tự sản xuất đủ dụng cụ lao động, sửa chữa một máy sàng quay tay; tự chế tạo một máy sàng mới, sản lượng than vượt 19,16% hiệu suất lao động một công nhân khai thác tăng 14,44%. Mức vật liệu chủ yếu vượt kế hoạch 6,51%. Giá thành hạ 1,9%; giá trị tổng sản lượng tăng 21,69% lương của công nhân tăng 8% so với kế hoạch. Hàng nghìn mét vuông nhà ở (tranh, nứa, lá) được xây dựng đủ cho cán bộ, công nhân sinh hoạt, ăn ở. Mặc khác, mỏ đã tự đào tạo được 202 cán bộ, công nhân kỹ thuật các ngành nghề chủ yếu, bình chọn được 28 chiến sỹ thi đua, 127 cá nhân xuất sắc tiêu biểu là các đồng chí: Trương Văn Rừng, Phạm Gia Kiệm, Vũ Bá Dinh, Phạm Văn Ngà, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Tất Dần…
Ba năm liền, xí nghiệp liên tục hoàn thành kế hoạch trên giao (123,08%), được Nhà nước tặng thưởng ba Huân chương lao động (hạng I, II, II). Bộ Công nghiệp nặng tặng 2 cờ và 5 bằng khen.
Đạt được những thành tích đó là do sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, công đoàn, chuyên môn và đoàn thanh niên đã kết hợp chặt chẽ, cùng phấn đấu cho một mục tiêu, nhưng có ranh giới, có hướng thi đua cụ thể, liên tục. Công đoàn đã đi sâu vào sản xuất, lắng nghe ý kiến của cán bộ, công nhân góp nhiều ý kiến giải quyết cho chuyên môn, nhất là những lúc khó khăn nhất.
Mặt khác, mỏ đã biết đặt công tác thi đua làm trọng tâm, thúc đẩy mọi mặt, cán bộ trên dưới, giữa chuyên môn và công đoàn, đoàn thanh niên đều thấy trách nhiệm của mình xây dựng phong trào.
Đó là những bài học quý rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy điều hành sản xuất. Nó có ý nghĩa sâu sắc, tạo ra những bước dài của những năm sau. Để chuẩn bị bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế phát triển văn hóa ngày 19-12-1957 Bộ Công nghiệp ra quyết định số 3378/BCN tổ chức lại các đơn vị sản xuất thân ở Khu mỏ thành các đơn vị hạch toán riêng biệt. Mỏ Mạo Khê vẫn trực thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của Cục khai khoáng.
 Từ năm 1958 đến năm 1960, mỏ Mạo Khê bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Dưới ánh sáng Nghị quyết hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (tháng 11 năm 19580, Hội nghị toàn Đảng bộ khu Hồng Quảng lần thứ nhất (từ 30-1 đến 4-2 năm 1959) xác định: Khu Hồng Quảng lấy việc phát triển công nghiệp và công tác cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp làm trọng tâm phát triển kinh tế.
Đầu năm 1958, mỏ được nhà nước cho lắp đặt cột máy phát điện CT100,  đến tháng 9 năm 1959 thêm một máy phát điện CK250 và đầu năm 1960 được lắp thêm một máy mới CT 125.
Từ năm 1958 đếm 1960, nhà nước đã tập trung nguồn vốn lớn cho Mạo Khê làm nhiệm vụ kiến thiết cơ bản; năm 1959 là 718.257 đồng, gấp đôi số vốn đầu tư năm 1958 và gần 100 công trình lớn nhỏ. Năm 1960 đã tăng lên 2.145.990 đồng, trong đó các công trình phục vụ sản xuất là 1.840.171 đồng. Số còn lại được đầu tư xây dựng cho các công trình phục vụ đời sống cán bộ, công nhân viên.
Cùng với đầu tư vốn, tháng 4 năm 1959, trên đã điều hơn 500 cán bộ chiến sỹ của sư đoàn 320 chuyển ngành về công tác tại mỏ. Đại đa số là những thanh niên trẻ, khỏe, được rèn luyện và giáo dục, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, ham học hỏi, cầu tiến bộ, nên mặc dù trình đọ văn hóa còn rất thấp (lớp 2, 3) trình độ khoa học kỹ thuật chưa có hoặc non kém, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt của mỏ.
Năm 1958, tổng số cán bộ, công nhân mỏ là 1.000 người, tháng 4 năm 1959, lên 2.326 (kể cả hợp đồng); đến năm 1960 lên 3.568 người trong đó có 2.586 công nhân trực tiếp làm lò, 1.000 công nhân thiết kế cơ bản.
Số lượng công nhân ngày càng đông, đảng viên ngày một nhiều, tháng 8 năm 1959, cấp trên quyết định thành lập Đảng bộ mỏ Mạo Khê (Ban chấp hành gồm 9 đồng chí, do Khu ủy chỉ định) với 10 chi bộ và 220 đảng viên.
Cùng với tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng được tăng về số lượng và chất lượng; năm 1958, cả mỏ mới có một chi đoàn gồm 85 đoàn viên, tháng 12 năm 1959 đã thành lập được đoàn mỏ với 272 đoàn viên, sinh hoạt trong 16 chi đoàn. Năm 1960 số đoàn viên lên tới 495 đồng chí.
Cũng đầu năm 1959, tổng số đoàn viên công đoàn là 526 người, sinh hoạt trong 7 tổ, có một cán bộ chuyên trách và 8 cán bộ kiêm nhiệm. Cuối năm 1959 số đoàn viên công đoàn đã lên với 3 cán bộ chuyên trách (trong đó có 3 đảng viên).
Mỏ đã thành lập một số phòng ban mới như vận tải, kiến thiết cơ bản bảo hộ lao động (tháng 3-1959), ban quản đốc ở các công trường Non Đông I, II Tràng Bạch, lò, phân xưởng sàng cơ khí, phòng y tế, phòng bảo vệ, từ tổ sản xuất được củng cố và bố trí lại cho hợp lý hơn.
Tháng 1 năm 1959, mỏ triển khai cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp của Trung ương Đảng đề ra nhằm cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, giám đốc phụ trách, công nhân tham gia quản lý xí nghiệp”.
Sau học tập đã có nhiều chuyển biến, phân định giải quyết một bước cơ bản về mối quan hệ giữa Đảng ủy, giám đốc và các đoàn thể, mối quan hệ giữa các phòng ban với cơ sở sản xuất, giữ cán bộ quản lý công trường với anh chị em công nhân. 
Việc lập kế hoạch và lãnh đạo thực hiện xây dựng từ trên xuống dưới cơ sở, đảm bảo dân chủ hóa. Khi xây dựng và thực hiện kế hoạch, giảm bớt được thủ tục mang tính hành chính giấy tờ không cần thiết. Cán bộ lãnh đạo tăng cường xuống chỉ đạo cơ sở cấp phát vật tư và xử lý kịp thời những tình huống phức tạp nảy sinh trong các khâu sản xuất.
Cùng với việc triển khai cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, một số chính sách, chế độ mới của Đảng và chính phủ được thực hiện như: chính sách lương mới (1958), chế độ bảo hộ lao động cho công nhân, luật công đoàn…
Bước vào thực hiện kế hoạch 3 năm 1958 – 1960, mỏ phát động phong trào thi đua: “Vì miền Nam ruột thịt”, “phá kỷ lục vượt năng suất” (1959), “học tập đoàn 8”, “phất cao cờ hồng lập công dâng Tổ quốc và Đảng quang vinh” (1960). Trong đoàn thanh niên phát động phong trào “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Cũng những đợt thi đua hướng theo chuyên đề, vấn đề cụ thể: vận động chống lãng phí vật liệu, chống đi muộn về sớm, đề phòng tai nạn lao động, chống thói hư tật xấu, không để than trong lò, “chống bị”; “xúc đầy vét sạch” hay không để than có dăm (của tổ goòng).
Trong phong trào thi đua đã chú ý bồi dưỡng điển hình, nhân điển hình tiên tiến, lôi kéo động viên khích lệ moin người tham gia. Bởi vậy qua các cuộc thi đua đều mang lại kết quả tốt. Tại công trường Non Đông 2, mức kế hoạch của một mi nơ lò chợ năm 1959 là 5,720 tấn công, toàn năm đã đạt bình quân 5,860 tấn, năm 1960 nâng lên 6,5 tấn…có tháng như tháng 5 đạt 8,9 tấn.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (1-1958): “Ra sức cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao trình độ kinh tế”. Công nhân cán bộ mỏ than Mạo Khê đã có nhiều sáng kiến chế tạo và cải tiến công nghệ trong quá trình sản xuất. Sau khi được trang bị máy phát điện cục bộ, một số cán bộ lãnh đạo của mỏ đã cùng với công nhân phân xưởng cơ khí sưu tầm trong các đống sắt thép cũ của Pháp để lại, lắp ghép phục hồi được máy điện, máy bào, máy khoan…chạy giàn láp (nhiều máy chạy một động cơ điện), làm cho xưởng cơ khí từ chỗ chỉ có lò bễ quay tay ngày đầu khôi phục mỏ đã có thêm máy công cụ chạy điện. Trên cơ sở đó có điều kiện cải tiến kỹ thuật, đưa khoa học kỹ thuật và sản xuất.
Cuối những năm 60, trên cho mỏ một quạt BOOK của Liên Xô. Mỏ Mạo Khê đã tự lắp giáp lấy, không theo thiết kế của Liên Xô là đặt vào thổi ở lò chân mà đặt ở lò đầu khu 56-2. Sau hai tháng lắp đặt xong, quạt chạy tốt. Sau đó mỏ nghiên cứu chế tạo một số quạt cục bộ và ống dẫn gió bằng tôn cấp cho các lò cái.
Sau khi giải quyết vấn đề về thông gió cho các lò, mỏ giải quyết cơ giới hóa từng phần các khâu nặng nhọc, đầu tiên là giải quyết khâu vận tải than thủ công ra Bến Cân. 
Sản lượng than ngày một tăng, không thể tăng mãi xe goòng đẩy tay ra bến. Mỏ đề nghị xí nghiệp quốc doanh than Hồng Gai cho Nhà máy cơ khí Hòn Gai phục hồi giúp mỏ một đầu tàu khổ 0,60m, nhưng không được chấp nhận. Mỏ đề nghị xí nghiệp cho vốn mỏ làm lấy, nhưng không được vì chưa tin vào khả năng của mỏ.
Không chùn bước trước khó khăn, mỏ lấy vốn đại tu phục hồi được đầu tàu 4 bánh, khi chạy thử mời Xí nghiệp Than Hồng Gia và chuyên gia Liên Xô chứng kiến.
Quá trình phục hồi các đầu tàu, mặc dù không có bản vẽ, các biên và bộ chia hơi mất hết. Đồng chí Đinh Bá Kế có sáng kiến làm biên và gối đỡ đầu và chia bộ hơi.
Mặc dù không có máy chuyên dùng, nhưng từ những biên cũ của tàu thủy mua về anh em rèn thành biên, sản xuất được lò xo, bu đanh tàu hỏa.
Trong khi phục hồi đầu tàu, khó nhất là chết tạo nồi hơi tất cả các nồi hơi phục hồi và chế tạo mới, được thanh tra Bộ về kiểm nghiệm, đạt chất lượng quy định.
Sau khi phục hồi thành công đầu tầu 4 bánh, mỏ thu hồi đàu tàu hỏng ở Hòn Gai, Bản Ty, Cái Đá (Hà Lầm) được 4 đầu tầu sửa chữa lại và làm mới 50 toa xe các loại 150 xe goòng đủ chở than. Tổng số đầu tàu khôi phục và chế tạo là 13 chiếc, số toa xe 5 tấn phục hồi và chế tạo mới là 60 toa.
Cùng với việc cơ giới hóa khâu vận tải, mỏ tiến hành cơ giới hóa khâu phân loại than. Trước năm 1958 mỗi cửa lò ra than đều đặt một máng bằng tôn có lỗ khác nhau. Than được đẩy qua các mặt sàng phân làm 4 loại: 0-15, 15-30, 30-50 và 50 trở lên. Than chủ và than don nhặt bằng tay rồi xúc đá xít đổ đi.
Năm 1958, mỏ đã làm lấy 2 sàng quay tròn như sàng đá để sàng than.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất, mỏ tích cực chăm lo đời sống, vật chất tinh thần cho công nhân. Đến tháng 6-1960, mỏ đã bỏ ra 400,663 đồng để cải thiện đời sống vật chất và văn hóa cho cán bộ, công nhân viên như: xây nhà ăn, ở, tắm nhà hạnh phúc, văn hoá văn nghệ, bảo hộ lao động cho cán bộ, công nhân viên.
Hầu hết vợ con cán bộ, công nhân được xếp công ăn việc làm, đời sống ổn định. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên được nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ.
Từ năm 1958 – 1960 mỏ đã thanh toán nạn mù chữ cho 79 người, đào tạo 647 thợ mỏ và cơ khí, 458 người được bồi dưỡng qua các lớp nghiệp vụ.
Các mặt văn hóa, thể thao, thể dục, y tế ngày càng phát triển. Mỏ đã xây dựng được một câu lạc bộ (năm 1956) một phòng đọc sách với 865 quyển, 5 đội văn nghệ, 9 đội bóng đá, 5 đội bóng chuyền, 1 đội bóng rổ, một bệnh xá 40 giường, 1 nhà hộ sinh, 2 nhà trẻ, 1 trường học…
Những thành tựu bước đầu giành được trong lao động sản xuất, chăm lo đời sống của cán bộ, công nhân viên, đã làm đổi thay sâu sắc bộ mặt của mỏ Mạo Khê so với ngày đầu giải phóng. Đội ngũ công nhân mỏ Mạo Khê ngày trưởng thành và lớn mạnh, khẳng định vị trí vai trò tiên phong của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1958-1960 thực hiện khôi phục cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đến đúng ngày 18 tháng 6 năm 1960, mỏ đã hoàn thành 100% kế hoạch 3 năm, vượt trước thời gian 6 tháng 12 ngày.
Sản lượng: năm 1958 tăng 20,72%, năm 1959 tăng 21,42%, năm 1960 tăng 15%. Giá trị tổng sản lượng 3 năm tăng 15,21% so với chỉ tiêu nhà nước giao, đạt 116,72% kế hoạch.
Với những thành tích đã đạt được, cán bộ, công nhân mỏ Mạo Khê được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III (1958) và Huân chương Lao động hạng II năm 1959.
(Còn tiếp.....) 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập101
  • Hôm nay14,548
  • Tháng hiện tại142,529
  • Tổng lượt truy cập9,469,150
chay trai
qc chay phaiii
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây