Công ty than Mạo Khê

http://thanmaokhe.vn


"65 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG NHÂN CÔNG TY THAN MẠO KHÊ" - Phần 8.

CHƯƠNG VII
 
TỪNG BƯỚC ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, ĐẨY MẠNH
SẢN XUẤT, BẢO ĐẢM ĐỜI SỐNG, SẮN SÀNG
CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ TỔ QUỐC (1976-1986)
 
Phân xưởng Tự Lực I do cán bộ công nhân mỏ Mạo Khê
tự thiết kế thi công.

 
Tháng 12 năm 1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng: “Đại hội thống nhất cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Đồng chí Thanh Doanh được Đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Ninh bầu là đại biểu đi dự Đại hội lần thứ IV của Đảng. Đại hội đã vạch rõ phương hướng phát triển của ngành than là:
“Triệt để phát huy các mỏ cũ, xây dựng nhiều mỏ mới, đảm bảo các khâu vận chuyển, sàng rửa, bến cảng, cân đối với nhịp độ khai thác”.
Căn cứ vào phương hướng của ngành than, Đại hội Đảng bộ mỏ Mạo Khê lần thứ XIII tháng 3 năm 1977 đã chỉ đạo rõ: Đẩy mạnh tốc độ thăm dò, tìm kiếm tài nguyên kiến thiết mỏ mới Tràng Bạch. Ra sức xây dựng nền nếp quản lý, lấy cải tiến quản lý kỹ thuật là trung tâm số một, đồng thời cải tiến quản lý lao động, quản lý vật tư, tài chính, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tiết kiệm và bảo vệ nghiêm ngặt tài sản Nhà nước, hạ giá thành sản phẩm, giành hiệu quả kinh tế cao nhất. Tích cực bồi dưỡng đào tạo công nhân kỹ thuật và cán bộ quản lý, xúc tiến thêm một bước về yêu cầu đời sống công nhân như ăn, ở điều kiện đi lại vui chơi giải trí... tiến hành cải tiến tổ chức sửa đổi lề lối làm việc của bộ máy quản lý.
Thực hiện kế hoạch đã đề ra, mỏ tiếp tục cải tạo mở rộng khai thác khu cánh đông 58, tận dụng tài nguyên đường lò Non Đông, đồng thời quyết định đóng cửa Bình Minh 1, Bình Minh 3 và 4. Vì hết tài nguyên từ mức +88 trở lên.
Sáng ngày 3 tháng 6 năm 1978, chuyên gia Trung Quốc sang giúp ta hướng dẫn khai thác đã tự bỏ về nước. Thực hiện quyết định của Bộ (chiều ngày 4-6-1978) cán bộ, công nhân mỏ Mạo Khê bắt tay vào giải quyết công việc của chuyên gia Trung Quốc để lại. Với tinh thần độc lập tự chủ, ý trí tự lực tự cường, tinh thần lao động sáng tạo, ngày 5-6-1978 mỏ đã bắt tay vào kiến thiết lò mới ngay. Sau hơn hai tháng khẩn trương, hai phân xưởng mới 2a và 2b ra đời, có sản lượng 1.000 tấn ngày đã làm giảm bớt được khó khăn cho xí nghiệp; tiếp đó phân xưởng Tự lực 3 (được chuẩn bị từ trước) cũng ra đời, kịp ra than trong quý IV năm 1978 đóng góp vào sản lượng chung.
Tháng 12 năm 1979, mỏ tiếp nhận bàn giao khu vực lò 56 đã nhanh chóng hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, chủ yếu là khâu vận tải. Năm 1979, thành lập đội điện nước, sáp nhập bộ phận thiết kế khai thác về phòng khai thác, tách phân xưởng vận xuất ra khỏi phân xưởng sàng giải thể phòng công trình và ban chuẩn bị sản xuất. Năm 1980 tách phân xưởng 56-1 thành phân xưởng vỉa 9 và 9b thành lập phân xưởng vận tải cơ điện ở khu vực 56; tách phân xưởng V9 thành phân xưởng V9 đông, V9 tây, nhập phòng thiết kế vào phòng cơ điện, thành lập phòng y tế và đội kiến thiết cơ bản cánh Nam.
Ngày 23 tháng 1 năm 1981, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 169/CP tách Bộ Điện và Than thành hai Bộ, Bộ điện lực và Bộ mỏ và than; đồng thời thành lập Công ty than Uông Bí trực thuộc Bộ Mỏ và Than. Mỏ than Mạo Khê trực thuộc Công ty than Uông Bí.
Từ năm 1981 đến năm 1985, hàng loạt công trình được tiếp tục xây dựng và cải tạo như: Hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất tại các phân xưởng Tự lực I, Tràng Khê, tự thiết kế và thi công trạm quạt Book ở phân xưởng 56, lắp đặt hệ thống băng tải tiêu thụ than cho tàu quốc gia tại nhà sàng, xây dựng đường tàu điện “cầu vẹt khu 56. Tràng Khê, bãi cung cấp gỗ vỉa 3 đi 58, mở rộng nhà sàng, cải tạo hộc tiêu than đuôi băng một tại bến. Mở rộng các ga ở vỉa 3 và 7, cải tạo đường sắt ở lò mức +53 Tràng Khê. Mở thêm các ga tránh xe ở các lò cái dọc các vỉa 9, 9b, lô đầu và lô chân ở cả 2 khu vực 56, 58. Nhiều công trình kiến thiết cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng... phục vụ đời sống ra đời.
Cùng với việc đẩy mạnh thăm dò khai thác, mở rộng diện sản xuất, việc đổi mới và tăng cường hiệu lực của bộ máy quản lý đã trở thành cấp thiết sau những năm sản xuất trong điều kiện có chiến tranh. Đây là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp. Bởi vậy phải tiến hành từng bước, thận trọng.
Cải tiến việc giao kế" hoạch xuống các phân xưởng: Chấm dứt tình trạng phân bổ theo kiểu phân chia đồng đều hoặc áp đặt chủ quan. Thực hiện xây dựng kế hoạch từ dưới lên trên vừa bảo đảm dân chủ, đồng thời phát huy được tính chủ động sáng tạo của cơ sở. Khi giao kế" hoạch dựa trên nguyên tắc. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ chung với điều kiện khả năng thực tế của từng đơn vị cơ sở, trong đó có dự đoán nhiệm vụ trước mắt và kế hoạch lâu dài.
Cải tiến quản lý tiền lương trên nguyên tắc phân phối theo lao động. Trước hết chú trọng công tác định mức năm 1984- 1985 đã điều chỉnh 2.715 định mức, nghiệm thu sản phẩm. Năm 1979 thực hiện giao khoán quỹ lương ở lò đá, sau đó năm 1982 nhân rộng ra khối hầm lò, cùng với việc khoán gọn công trình ở phân xưởng xây dựng. Thí điểm trả lương sản phẩm luỹ tiến, trả lương theo sản phẩm tới khâu cuối cùng ở phân xưởng sản xuất vật liệu xây dựng.
Toàn mỏ thực hiện công tác hạch toán kinh tế đến tận từng phân xưởng. Quỹ tiền lương của các phân xưởng được giao đồng thời với việc giao kế hoạch. Đến tháng 3 năm 1985 đã có 21 đơn vị được giao quỹ lương. Biện pháp này đã chống phân phối bình quân bảo đảm được 3 lợi ích Nhà nước, tập thể và người lao động.
Từ tháng 4-1980 mỏ thực hiện chế" độ trách nhiệm vật chất cùng với công việc thu hồi lương thực của những người nghỉ vô lý do làm tăng thêm ngày công của công nhân thúc đẩy sản xuất.
Cùng với việc cải tiến quản lý tiền lương, quy chế" khen thưởng cũng được xây dựng mới để phù hợp với tình hình mới trong từng thời kỳ, trên nguyên tắc “dùng tiền thưởng làm đòn bẩy kinh tế, thúc đẩy sản xuất”. Thưởng từng khâu hoặc từng công đoạn trong quá trình thực hiện kế hoạch như: Thưởng luỹ tiến, năng suất cao, ngày công cao, thưởng hoàn thành kế hoạch, an toàn lao động, chất lượng sản phẩm tốt...
Việc cải tiến công tác tiền lương, tiền thưởng của mỏ đã trở thành đòn bẩy kích thích sản xuất được Công ty than Uông Bí, Bộ Năng lượng và Nhà nước đánh giá cao tại Hội nghị sơ kết đề tài trả lương trong báo cáo của Viện khoa học lao động.
Quá trình giao quỹ tiền lương, tiền thưởng, mỏ đã chú ý vận dụng linh hoạt các chính sách mới vào từng khâu, từng công việc, từng phân xưởng sát đúng, trên quan điểm ưu tiên cho từng đối tượng sản xuất chính, lao động nặng nhọc, độc hại.
Cùng với cải tiến giao kế hoạch, giao quỹ tiền lương, tiền thưởng mỏ đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật với phương châm tự lo là chính nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho công nhân. Mỏ đã tự chế tạo được nhiều phụ tùng, đại trung tu xe máy, thiết bị của mỏ như: Lắp đặt toàn bộ hệ thống thiết bị phục vụ sản xuất ở Tự lực I, quạt Book trục giếng 1,6m, trạm máy khí ép, băng tải, quang lật, sàng và hệ thống đường sắt. Toàn bộ hệ thống thiết bị ở Tự lực 2, 3. Hàng trăm tấn thiết bị ở Bình Minh được tháo dỡ chuyển sang lắp đặt ở Tự lực 2.
Trong khi sản xuất thiếu nguyên vật liệu, lãnh đạo mỏ phát động một phong trào “tiết kiệm vật tư”, triển khai rộng khắp trong tất cả các công trường phân xưởng. Đã thu hồi hàng trăm mét khối gỗ chống lò, sắt thép, đường ray.
Đi đôi với tiết kiệm, công tác bảo vệ của mỏ được chú ý hơn. Trước những khó khăn chung của đất nước ảnh hưởng tới đời sống của cán bộ, công nhân viên, hiện tượng tiêu cực nảy sinh. Để ngăn nhặn có hiệu quả, mỏ đã kiện toàn, bổ sung thay thế" cán bộ, công nhân phòng bảo vệ, cùng với thị trấn Mạo Khê họp bàn về giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội và tài sản của Nhà nước có hiệu quả.
Để đáp ứng được tình hình và nhiệm vụ mới, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ phải có một đội ngũ cán bộ, công nhân giỏi về chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ. Từ năm 1978 đến 1986 mỏ đã đề bạt gần 400 cán bộ từ phó quản đốc đến phó giám đốc mỏ. Công tác cán bộ thực hiện theo phương châm tự đào tạo là chính, kết hợp chặt chẽ giữa năng lực với phẩm chất đạo đức, trải qua rèn luyện thực tế ở cơ sở. Từ năm 1981 mỏ đã xây dựng quy trình đề bạt cán bộ. Bởi vậy số cán bộ được đề bạt hầu hết có năng lực, đảm nhận tốt công việc được giao, được anh em tín nhiệm. Đội ngũ cán bộ, công nhân mỏ được thường xuyên bồi dưỡng. Năm 1978-1979, 200 cán bộ từ đốc công trở lên được bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật, quản lý xí nghiệp và an toàn lao động. Từ năm 1979 bắt đầu mở các lớp lý luận sơ cấp chính trị cho đảng viên trong Đảng bộ. Năm 1979 đào tạo được 435 công nhân, kèm cặp nâng bậc cho 500 công nhân kỹ thuật. Năm 1989 đào tạo 1.359 thợ (trong đó 1.300 thợ lò, 19 thợ xây, 40 thợ đường sắt).
Nhằm động viên cán bộ, công nhân viên hăng hái thi đua lao động sản xuất, mỏ liên tục phát động các phong trào thi đua sôi nổi: Đăng ký phấn đấu trở thành tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa; luyện tay nghề thi thợ giỏi; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật giành cờ thưởng luân lưu của Bác Hồ tặng ngành than nhân dịp Người về thăm và vui tết với nhân dân Quảng Ninh (tháng 2-1965); chiến dịch tổng tiến công năm 1968, phong trào tiết kiệm nguyên vật liệu... Phong trào thi đua hướng vào việc năng suất, chất lượng và hiệu quả và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Phương châm chỉ đạo là: Xây dựng điển hình, nhân điển hình rộng ra toàn mỏ trên cơ sở đó đẩy mạnh phong trào đi lên.
Mới chỉ tính năm 1977 và năm 1978 trong đợt vận động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã có 1.670 sáng kiến trong đó 1/2 là sáng kiến cải tiến kỹ thuật, còn lại là ý hay việc tốt. Đặc biệt sáng kiến đi lò giếng nghiêng Tràng Bạch, chế tạo máy hàn rung tự động có công suất gấp nhiều lần phương pháp hàn thông thường đã tiết kiệm hàng chục triệu đồng; các đợt phát động thi đua năm 1979-1980 có 500 sáng kiến thì 200 sáng kiến được xét thưởng.
Những tập thể tiêu biểu trong các đợt phát động thi đua đó là: Xưởng Tự lực 2B (KT2), V9B1 (KT5), phân xưởng cơ khí, tiêu biểu là anh hùng lao động Lều Vũ Điều.
Cùng với việc lãnh đạo và chỉ đạo sản xuất, do yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, trước những hành động xâm lược nước ta của kẻ thù phía tây Nam và phía Bắc, hoạt động của tự vệ đã nhanh chóng chuyển hướng.
Từ một tiểu đoàn dân quân tự vệ (trong đó có một đại đội pháo cao xạ, thời kỳ chống Mỹ cứu nước) đã phát triển thành một trung đoàn tự vệ với 3.300 cán bộ, chiến sĩ. Ngày 12-11-1978, nhân ngày truyền thống công nhân mỏ, tiểu đoàn đã xuống đường biểu dương lực lượng chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Các đại đội bộ binh, pháo cao xạ 37mm, cối 82mm thường xuyên luyện tập triển khai phương án tác chiến đánh địch. Hơn 200 chiến sĩ được huy động ra miền Đông của tỉnh đào trên 2.000m giao thông hào chống kẻ thù. Nhà máy cơ khí sản xuất 16.000 chông gạnh gửi ra rào biên giới. Nhiều đơn vị (đại đội, trung đội) đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng 10 năm liền.
Năm 1983, đại đội pháo cao xạ 37 ly dự Hội thao bắn đạn thật loại giỏi của Đặc khu Quảng Ninh, loại khá toàn quân, giải nhất hội thao quốc phòng toàn huyện Đông Triều.
Hai năm 1983-1984, đạt danh hiệu trung đoàn Quyết thắng. Nhiều năm mỏ thực hiện tuyển quân vượt chỉ tiêu trên giao.
Trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn việc chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên ngày càng trở nên quan trọng hơn. Từ năm 1978, tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, việc cung cấp định lượng theo Quyết định 218 của Hội đồng Bộ trưởng, ăn 33 và các loại bồi dưỡng 02, 05 và 3 có lúc không đủ. Năm 1983 chỉ được cấp 45% mà nhu cầu ăn lên tới 100.000 đ/ngày.
Trong khi đó vốn là tiền mặt rất khó khăn nhưng mỏ chưa bao giờ bớt của công nhân để trả bằng tiền. Khẩu phần ăn cơ bản vẫn đảm bảo về số lượng và chất lượng. Mỏ vận dụng công thức VAC để chăn nuôi, thả cá, thực hiện cơ chế khoán chăn nuôi cho từng hộ gia đình công nhân, mỗi năm bình quân có 3.000kg thịt lợn, trên cơ sở đó cải thiện đời sống. Mỗi năm, mỏ đầu tư xây dựng hơn 500m2 nhà ở, cải tạo nhiều nhà tập thể, xây dựng mới nhiều gian nhà hạnh phúc. Từ năm 1987 tăng sản lượng vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu của xí nghiệp và gia đình công nhân viên.
Nhiều công trình phúc lợi công cộng được xây dựng mới hoặc tu sửa lại như cải tạo nâng cấp các trục đường chính, sửa chữa tại tu nhà ăn, nhà tắm, chiếu sáng sân vận động. Mỏ cải tạo một nhà ăn tập thể thành rạp chiếu phim (1976), mở rộng nâng cấp thành nhà văn hoá (1986) là trung tâm sinh hoạt văn hoá tinh thần của công nhân mỏ và khu vực sau ngày lao động, xây phòng cưới cho thanh niên (1984).
Các phương tiện như vô tuyến truyền hình, một trạm truyền thanh tổng công suất 1.200W có trên 10km đường dây với một hệ thống loa khá dày truyền tin vào tận khu xóm công nhân.
Phong trào văn hoá - văn nghệ phát triển sôi nổi. Mỏ mở các lớp khiêu vũ quốc tế, nhạc, họa, múa cho thanh thiếu niên. Phong trào rầm rộ không những chỉ ở mỏ mà lan sang cả các vùng phụ cận.
Hàng năm lãnh đạo mỏ mời văn công Trung ương về biểu diễn, chiếu phim phục vụ anh em.
Những cán bộ, công nhân gặp khó khăn được mỏ trợ cấp giúp đỡ. Những gia đình thương binh, liệt sĩ mỏ thường xuyên thăm hỏi nhân ngày 27-7. Công nhân hàng năm được khám bệnh định kỳ và nghề nghiệp, được di tham quan nghỉ mát ở trong nước do mỏ tổ chức.
Ngoài nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên, mỏ còn giúp đỡ địa phương xây dựng một số công trình khác như: Kho gạo, kho thực phẩm, cầu đường... Trên cơ sở đó tăng cường khối liên minh công nông giữa mỏ với địa phương gắn bó hơn, bền chặt hơn.
Mười năm sau khi đất nước được thống nhất, (1976-1986) là mười năm cán bộ, công nhân của mỏ Mạo Khê cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là mười năm kiên trì phấn đấu và gặp không ít khó khăn: Thiên tai lũ lụt nhiều, lò bễ phay phá, tài nguyên cạn kiệt, nguyên vật liệu (nhất là gỗ chống lò), thiết bị máy móc phụ tùng thiếu thốn, đất nước sau 30 năm chiến tranh bị tàn phá... Tình hình kinh tế - xã hội khó khăn ảnh hưởng không ít đến sản xuất và đời sống của mỏ. Trong khi đó, kế hoạch trên giao quá cao so với thực tế sản xuất của mỏ. Bởi vậy, một nửa thời gian mỏ không hoàn thành kế hoạch.
Tuy vậy, mười năm ấy cán bộ, công nhân mỏ Mạo Khê đã từng bước cải tiến được công tác quản lý, công tác tổ chức và cán bộ, khắc phục khó khăn, tìm tòi sáng tạo, thận trọng trong bước đi, cách làm, duy trì được sản xuất, tổ chức tốt việc chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên, từng bước làm thay đổi bộ mặt của mỏ.
(Còn tiếp....)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây