Công ty than Mạo Khê

http://thanmaokhe.vn


"65 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG NHÂN CÔNG TY THAN MẠO KHÊ" - Phần 7.

CHƯƠNG VI

ĐẾ QUỐC MỸ (1965-1975)
CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA
DUY TRÌ VÀ ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT
 
Tự vệ mỏ Mạo Khê - Khẩu đội pháo cao xạ 37mm,
bắn rơi máy bay giặc Mỹ.

 
Trước những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta ở miền Bắc và thắng lợi dồn dập của nhân dân miền Nam, từ ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ liều lĩnh đưa máy bay, tàu chiến đánh phá miền Bắc nước ta. Cách mạng nước ta chuyển sang tình thế mới: Cả nước có chiến tranh cả nước đánh Mỹ.
Trước tình hình đó tháng 8 năm 1965, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Tổng công ty than Quảng Ninh Mỏ than Mạo Khê tách khỏi Công ty than Hòn Gai trở thành đơn vị hạch toán riêng biệt trực thuộc Tổng công ty Than Quảng Ninh.
Căn cứ vào Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (tháng 12-1965) và Nghị quyết của Đảng bộ Tổng công ty than Quảng Ninh, Đảng uỷ mỏ Mạo Khê đề ra nhiệm vụ của cán bộ, công nhân trong tình hình mới là:
“Dù bất kỳ tình huống nào cũng phải giữ vững sản xuất, bảo đảm chất đốt cho Nhà nước, đồng thời phải cải tạo, mở rộng mỏ để hòa bình lập lại đưa sản lượng tăng nhanh”.
Để giải quyết đúng đắn giữa nhiệm kỳ trước mắt cũng như lâu dài, từ năm 1965 đến 1968, mỏ tích cực đi vào cải tạo các lò đá bằng cách đẩy mạnh tốc độ lò đá xuyên vỉa, chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài, cải tạo lò đá dọc vỉa để cắt cúp phục vụ cho khâu khai thác trong các lò chợ. Vì vậy, bỏ được một loạt hệ thống lò cái đi trong than, đỡ công chống giữ lò cái và không bị ách tắc khâu vận tải như trước đây.
Mặt khác, mỏ tập trung cơ giới hoá khâu lò đá, đồng thời giải quyết vấn đề năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công nhân ở đây. Đến năm 1968, trong tổng số 12 gương lò đá đã có 5 gương lò được trang bị máy hơi ép, búa khoan; 2 gương được trang bị máy xúc đá. Từ năm 1971, mỏ Mạo Khê đã mạnh dạn nghiên cứu, cơ giới hoá toàn bộ khâu khoan bắn, xúc và vận tải ở 14 gương lò đá.
Quá trình cơ giới hoá lò đá chia làm 2 giai đoạn:
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác khoan mỏ nổ hầm bằng xây dựng biểu đồ khoan nổ 2 tầm (tầm nóc, tầm nền) mục đích tạo thêm mặt tự do, tăng hiệu quả nổ, áp dụng kỹ thuật tôi ủ choòng đục đá để giảm số lần chạy choòng.
Mặt khác, áp dụng phương pháp bắn mìn tạo âm, mở diện tự do giữa gương lò thành hom giỏ, sau đó dùng kíp vi sai phá các lỗ phụ, rồi đến lỗ biên. Nhờ vậy, tốc độ đào lò đá thủ công từ 3,5-4m gương tháng lên 9-12 gương tháng.
Mặc dù vậy nhưng tiến độ vẫn chậm, lò đá luôn đi sau lò chợ, việc chuẩn bị tài nguyên sẵn sàng không đáp ứng, gây ảnh hưởng đến việc nâng cao công suất cũng như sản lượng các lò chợ. Do đó, giữa năm 1968 lãnh đạo mỏ chủ trương phải cơ giới hoá lò đá.
Mỏ đi mua thiết bị: Máy ép, búa khoan, choòng, ống nước, ống hơi, múi khoan, máy xúc (chủ yếu ở kho Vĩnh Yên, làng Cẩm Thanh Hoá) về trang bị cho lò đá.
Cơ giới hoá lò đá được gắn chặt với áp dụng kíp vi sai và bắn mìn tạo biên là bước ngoặt quan trọng giải quyết tiến độ lò đá vượt lò chợ, mở ra phong trào nâng cao năng suất và sản lượng lò chợ góp phần hoàn thành suất sắc kế hoạch sản xuất than Nhà nước giao cho. Tốc độ đào lò và tiến độ các lò đã nâng từ 80-90m lên 150-160 gương tháng.
Đồng thời với việc cơ giới hoá là cải cách tổ chức: Hình thành 3 phân xưởng lò đá 56, 58 và Bình Minh, lấy lò đá Bình Minh làm thí điểm tại lò BM3. Đào tạo đội ngũ thợ đào lò đá toàn năng, thành lập các tổ đi lò đánh nhanh, tổ chức Hội nghị chuyên đề đào lò đá.
Phong trào đào lò đá nhanh của mỏ Mạo Khê khi đã hình thành các tổ đào lò nổi tiếng như: Nguyễn Tả Ngạn (lò đá Bình Minh), Phạm Văn Hào (lò đá 56), Hà Huy Châu (lò đá 58), Trịnh Đình Ninh,... đây cũng là những con chim đầu đàn đào lò đá của ngành than.
Từ năm 1966 đến năm 1975, cán bộ, công nhân mỏ Mạo Khê đã đào 23.000m lò đá mới. Nhiều năm đạt kỷ lục trên dưới 3.000m (1970=2.983m, 1971=3.962m).
Cùng với việc cải tạo, cơ giới hoá lò đá, những tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong khai thác và vận chuyển than với mục đích tận dụng tài nguyên, giảm cường độ và tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư (chủ yếu là gỗ) nguyên liệu.
Từ năm 1966 đến năm 1967, mỏ đã hoàn chỉnh công nghệ khai thác lò chợ dài ở các vỉa: X.56/1; X.56/3, vỉa B.56/3, 56/5 và Non Đông. Đồng thời thí điểm thành công phương pháp khai thác “cột lưu than” ở lò có vỉa dốc và đưa vào sử dụng ở 2 lò chợ vỉa 3. Nghiên cứu và thí điểm phương pháp khai thác “dàn chống” ở Bình Minh. Năm 1967, nghiên cứu chế tạo đưa vì sắt vào chống ở lò cái và một số lò chợ. Năm 1969, tiếp tục đưa cột sắt Ba Lan vào chống thí điểm trong lò 58 và mở rộng ra các lò chợ khu 56, từ tháng 2 năm 1971, mỏ đưa cột sắt vào chống thí điểm trong lò chợ 58. Sau khi thành công rút kinh nghiệm đã đưa vào lò chợ 56/1 từ tháng 9-1971.
Việc đưa vì sắt vào chống đã giải quyết được khâu thiếu gỗ chống lò trầm trọng, duy trì được sản xuất liên tục.
Một số biện pháp khai thác cũng được đồng thời áp dụng như: Áp dụng chống các loại vì sắt “lòng mo”, “càng cua”... dùng tời điện có công suất 15KW để giật cột thu hồi gỗ trong lò, “chồng pin phá hoả” ở những lò chợ dốc từ 45-50 độ thay cho việc điều khiển đá vách xếp cũi lợn... trong quản lý lao động đã áp dụng việc tổ chức sản xuất “4 ca gối đầu” ở phân xưởng 58...
Các tuyến đường sắt trong và ngoài lò được tiếp tục cải tạo, nâng cấp và bắc mới. Cải tạo các hộc chứa than (tê my), các đường trục tải gỗ. Hoàn chỉnh phục hồi đầu tàu 11 và 12 (1966- 1967) và một số công trình phụ của nhà sàng như: Hai băng than don, một băng kèm đưa vào sử dụng bảo đảm công suất thiết kế.
Nhiều đường lò vận chuyển được mở rộng, xây các máng trượt lắp đặt máy cào và các tuyến băng “chuyển tải” ở các phân tầng 56, 58 và Bình Minh. Sửa chữa cải tạo xe 600 lít thành xe 1.000 lít. Lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống tiêu thụ than tại bến để có thể rót được 2.000 tấn than một ngày.
Việc đưa tàu điện vào lò kéo than thay cho cảnh “đun xe” và công trình mỏ tự thiết kế" thi công tuyến băng tải từ 58 ra Non Đông về nhà sàng đã giải quyết được than không ứ đọng ở các cửa lò, đồng thời rút một tàu phục vụ cho công việc thải đá, vận chuyển gỗ đã đánh dấu một mốc lịch sử, bước phát triển nhảy vọt quá trình công nghiệp hoá theo đường lối công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa của Đảng ở mỏ Mạo Khê.
Từ tháng 2 năm 1967, mỏ đã đưa tàu AK2Y vào lò Non Đông thay cho sức người. Năm 1968 tiếp tục đưa tàu điện vào lò 58/3, 56/3 Non Đông 3 và công trường vỉa 10. Năm 1969 đưa tàu điện vào kéo than ở các lò 56/5, 56/3, Non Đông, 58 vỉa 7, làm giảm mỗi ngày 11 người.
Qua cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các thiết bị trong dây chuyền sản xuất như hệ thống băng tải từ Bình Minh ra 58 và 58 ra Non Đông đã được phục hồi. Tháng 1 năm 1973 các thiết bị dây chuyền sản xuất từ Bình Minh ra 58, từ 58 ra sàng đã được phục hồi và cải tiến, bố trí băng rót trực tiếp xuống hộc chứa, đồng thời thay băng 800 ly bằng băng 1000 ly cho đồng bộ.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, mỏ triển khai kịp thời công tác phòng không sơ tán, phòng tránh địch đánh phá, tổ chức lực lượng tự vệ sẵn sàng chiến đấu.
Tháng 8 năm 1966, máy bay giặc Mỹ đánh trực tiếp vào mỏ Mạo Khê và các vùng phụ cận. Thực hiện Chỉ thị của Bộ công nghiệp nặng, Tỉnh uỷ Quảng Ninh về phòng không sơ tán, Đảng uỷ, Ban Giám đốc mỏ đã triển khai kế hoạch sơ tán người, thiết bị, máy móc, kho tàng ra xa nơi trọng điểm bắn phá của giặc Mỹ.
Khu sơ tán 1 là nơi làm việc của mỏ, công nhân được sơ tán về các địa điểm: Lò 58 ở Yên Thọ, lò 56 ở Đồng Lộc, Bình Minh ở khe núi Bình Minh, bệnh xá sơ tán về Sở Tuynh, nhà trẻ được phân đôi ở 2 địa điểm Văn Lôi và Vườn ươm.
Trong một thời gian ngắn, mỏ đã tổ chức cho 2.900 công nhân viên ở tập thể và gia đình dàn mỏng, các khu trọng điểm từ 2-5km. Bệnh xá, nhà trẻ, các bếp ăn tập thể và những kho lương thực của mỏ cũng được sơ tán chia nhỏ theo địa bàn của cán bộ, công nhân viên nơi sơ tán hoặc sản xuất.
Cùng với việc sơ tán nơi ăn ở cho công nhân, mỏ đã huy động lực lượng sơ tán 1.500 tấn thiết bị vật tư, chuyển nhà máy cơ khí phân xưởng ô tô và hầu hết thiết bị, máy móc ở trong kho ra xa khu vực trọng điểm; những mặt hàng hoá chất (chủ yếu là thuốc mìn), xăng dầu và những máy móc trang thiết bị quý hiếm như động cơ đi-ê-zen, máy tăng âm,... được sơ tán, cất giấu vào khe núi, hoặc các đường lò cũ.
Các tổ máy phát điện, trạm biến thế đều được xây dựng các ụ che chắn bom đạn địch.
Tất cả những nơi làm việc, ăn ở, sinh hoạt trên đường giao thông từ nơi ở đến chỗ làm việc đều có hầm trú ẩn. Từ năm 1965 đến đầu năm 1966, mỏ đã đào được 3.328 hầm hố các nhân, 7.770m giao thông hào, 215 hầm cồn cỏ (hầm kèo), 5 hầm xây, 6 cửa lò làm hầm trú ẩn.
Để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ mới theo tinh thần Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 và 12 công tác tổ chức cũng được chuyển hướng.
Các cấp lãnh đạo từ xí nghiệp đến phân xưởng, từ phòng ban chuyên môn nghiệp vụ đến các cơ sở sản xuất đều phải đảm nhiệm thêm nhiệm vụ lãnh đạo công tác quân sự. Thủ trưởng, chuyên môn, nghiệp vụ chịu trách nhiệm trực tiếp làm cán bộ tiểu đoàn, đại đội, và tiểu đội tự vệ. Bí thư Đảng uỷ, Bí thư chi bộ đảm nhận trách nhiệm làm chính trị viên tiểu đoàn, đại đội.
Bên cạnh phương án sản xuất chính, mỗi đơn vị trong xí nghiệp (nhất là các đơn vị khối ngoài trời như: Sàng, vận chuyển, bến, cơ khí), đều xây dựng phương án sản xuất dự phòng khi mất điện lưới, hoặc bị giặc Mỹ ném bom bắn phá vào địa bàn. Toàn bộ xí nghiệp trong bất kỳ tình huống nào cũng phải bảo đảm sản xuất liên tục.
Cùng với sản xuất, luyện tập quân sự đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách của cán bộ, công nhân trong xí nghiệp. Chương trình luyện tập quân sự được xây dựng và triển khai thực hiện “quân sự hoá” trong tất cả công nhân viên chức.
Lực lượng tự vệ chiến đấu được hình thành và không ngừng phát triển. Năm 1966 có 13 đơn vị với 1.720 cán bộ, công nhân viên tham gia. Đến năm 1969 đã phát triển lên 23 đơn vị, với tổng số 2.278 cán bộ công nhân viên. Năm 1972 đã thành lập được 15 đại đội và 4 trung đội tự vệ. Chính thức thành lập đại đội pháo 37mm. Hàng năm, các đơn vị tự vệ đều vượt mức kế hoạch chỉ tiêu luyện tập. Các đại đội: Cơ khí, 58, kiến trúc nhiều năm liên tục đạt đơn vị quyết thắng.
Cùng với việc xây dựng lực lượng tự vệ thoát ly và bán thoát ly. Đoàn thanh niên xí nghiệp thành lập các đội thanh niên “Cờ đỏ” ở các chi đoàn, đảm nhận các công việc của xí nghiệp cũng như tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ trị an, phòng gian bảo mật...
Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1964-1968), 4 lần chúng đánh phá trực tiếp vào mỏ, Khu Ga, Cống Trắng, khu Tự Lực, Bến Cân, với hàng trăm quả bom các loại và bắn xuống nhiều tên lửa (rốc két), đạn 20 ly. Có nơi như Bến Cân, 4 lần địch bắn phá với tổng số trên 80 quả bom, nhưng do có hệ thống hầm hố tốt, chủ động phòng tránh và đánh địch, nên thiệt hại không đáng kể về người và của.
Với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” với quyết tâm “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”. Bốn năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của giặc Mỹ, lực lượng tự vệ mỏ đã chiến đấu 14 trận (kể cả những trận hợp đồng tác chiến với đơn vị bạn). Đặc biệt trận chiến đấu ngày 16 tháng 11 năm 1967, đơn vị trực chiến đã mưu trí, gan dạ bắn rơi 1 máy bay của giặc Mỹ.
Sau những đợt ném bom bắn phá của giặc Mỹ, việc giải quyết hậu quả được tiến hành khẩn trương và nhanh gọn. Cùng với nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu công nhân mỏ Mạo Khê còn tham gia vào nhiều công việc khác như: Đào đắp công sự, sửa chữa xe pháo cho bộ đội, truy lùng biệt kích, rà phá bom nổ chậm tại Bến Triều... và cử một đại đội cứu người sập hầm tại xưởng chế biến gỗ phía tây bắc cầu Cầm, do Ủy ban Hành chính và Huyện đội Đông Triều yêu cầu.
Chiến tranh phá hoại xảy ra làm đảo lộn cuộc sống lao động sản xuất của cán bộ, công nhân. Việc tổ chức đời sống không kém phần quan trọng. Đảng bộ và giám đốc mỏ xác định phải xây dựng lấy đời sống cho mình là chính.
Mặc dù chiến tranh ác liệt, bốn nhà ăn lớn phải tách ra thành 13 bếp ăn nhỏ, nhưng vẫn bảo đảm cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ 2.000 người ăn. Kể cả ăn bồi dưỡng ca 3, ăn điều dưỡng, chế" độ ăn cho anh em các đội đi lò đá nhanh.
Bằng phương thác chỉ đạo mỏ và công nhân cùng lo, mỏ cung cấp một phần nguyên vật liệu giúp đỡ các gia đình tự tìm đất đai làm nhà sơ tán, làm nhà cho các phân xưởng ổn định nơi ăn chốn ở để sản xuất.
Năm 1968, mỏ thành lập phân xưởng sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất gạch ngói nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng của mỏ và gia đình cán bộ, công nhân viên.
Sau khi địch ngừng bắn phá, tốc độ xây dựng được tiến hành rất nhanh. Năm 1969 xây dựng mới 1.300m2 nhà ở thì năm 1973 đã xây 1.900m2 và năm 1974 mỏ đã khôi phục và làm mới 10.000m2 nhà ngói cấp 4 cho công nhân ở, bình quân 4m2/người.
Từ chỗ ở nhà tranh vách đất, đến năm 1975, tất cả công nhân đều được ở nhà ngói. Đây là mốc lịch sử lớn lao trong đời sống của công nhân mỏ Mạo Khê qua 20 năm sau ngày hoà bình lập lại.
Qua nhiều năm kiên trì xây dựng, từ một phòng y tế" với vài ba y tá sau ngày hoà bình lập lại, đến năm 1975, mỏ đã xây dựng thành một bệnh viện 169 giường để phục vụ 1.900 công nhân mỏ. Số y bác sĩ ở đây chủ yếu là mỏ cử đi học rồi về công tác. Những năm chiến tranh phá hoại, nhiều nạn nhân đã được chữa và cứu sống ở đây. Trong sản xuất, bệnh viện đã bố trí trực ca cấp cứu tại công trường. Mạng lưới y tế từ trên mỏ xuống cơ sở sản xuất được bố trí đầy đủ. Nhằm duy trì và nâng cao đời sống của công nhân, cùng với việc bảo đảm đầy đủ chê độ tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, phòng khám chữa bệnh thường xuyên và định kỳ, mỏ còn động viên cán bộ, công nhân viên tích cực tăng gia chăn nuôi cải thiện đời sống, giảm khó khăn cho Nhà nước. Bình quân mỗi năm mỏ tự giải quyết 4-5 tấn thịt lợn và hàng chục tấn rau xanh.
Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, đời sống tinh thần của cán bộ, công nhân cũng được chú ý. Những năm hoà bình cũng như chiến tranh, mỏ thường xuyên duy trì các lớp bổ túc văn hoá, kỹ thuật công nghiệp cho 1.000-1.600 người theo học.
Phong trào văn hoá văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom”, rèn luyện thân thể, luyện tập thể dục thể thao phát triển mạnh nhất là với thanh niên. Các đợt đi thi đấu tranh giải khu vực nhiều lần đạt giải cao.
Mười năm sản xuất trong điều kiện cả nước có chiến tranh, cả nước đánh Mỹ. Mỏ Mạo Khê đã khai thác được 3.736.871 tấn than cho Tổ quốc. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã trưởng thành về số lượng và chất lượng dày dạn kinh nghiệm, được thử thách trong chiến đấu, lăn lộn trong sản xuất. Nhiều công nhân đã trở thành thợ lành nghề, hàng trăm chiến sĩ thi đua, hàng chục tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Nhiều người được thưởng bằng lao động sáng tạo tiêu biểu là phân xưởng 58, Bến Cân được bộ tặng bằng khen (Quý I-1967), anh hùng lao động Nguyễn Văn Vỡi, tổ trưởng tổ lò chợ A1 phân xưởng 58/3, chiến sĩ thi đua 12 năm liền Ngô Văn Nhuận tổ trưởng tổ lò chợ 56/3 đã vinh dự thay mặt công nhân mỏ Mạo Khê trong đoàn đại biểu công nhân ngành than gặp Bác Hồ ngày 15-1-1968 tại Thủ đô Hà Nội. Đó là tổ đào lò đá Trịnh Quang Ninh, Hà Huy Châu là những người lập kỷ lục cao nhất về lò đá của ngành than nước ta.
Từ năm 1966-1975, cán bộ, công nhân mỏ Mạo Khê đã được tặng thưởng: Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất của Bác Hồ tặng ngành than quý IV năm 1966, quý I năm 1967. Từ năm 1969 đến năm 1971, ba năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, mỏ đã phấn đấu vượt mức kế hoạch 20-25%. Năm 1969 hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kế hoạch, vượt sản lượng năm 1965 là năm có sản lượng cao nhất so với các năm trước.
Năm 1971, mỏ Mạo Khê là đơn vị đầu tiên của ngành than được nhận cờ thưởng luân lưu của Bác cả năm.
Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng II về thành tích bắn rơi máy bay giặc Mỹ (năm 1967) và được ghi tên vào lá cờ quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của Bác Hồ tặng quân và dân vùng Đông Bắc.
(Còn tiếp.....)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây