Công ty than Mạo Khê

http://thanmaokhe.vn


"65 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG NHÂN CÔNG TY THAN MẠO KHÊ" - Phần 6.

CHƯƠNG V
MỞ RỘNG QUY MÔ, TỪNG BƯỚC CƠ GIỚI HÓA ĐẨY MẠNH 
SẢN XUẤT (1961 - 1965)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 9 năm 1960, Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Vinh dự cho Đảng bộ và công nhân mỏ Mạo Khê, đồng chí Đỗ Văn Kham được Đại hội đại biểu khu Hồng Quảng cử làm đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.
Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ngày 25 tháng 7 năm 1960 Bộ công nghiệp nặng ra quyết định 707/BCNNG quyết định thành lập Công ty Than Hòn Gai (bao gồm các đơn vị sản xuất than từ Hòn Gai đến Cẩm Phả) là một đơn vị kinh tế hạch toán tổng hợp trực thuộc Bộ.
Tháng 4 năm 1962, Bộ công nghiệp nặng giao cho Công ty than Hòn Gai trực tiếp quản lý mỏ than Mạo Khê. 
Căn cứ vào phương hướng mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đại hội đại biểu Đảng bộ khu Hồng Quảng lần thứ nhất kỳ II (từ 31 tháng 1 đến 9 tháng 2 năm 1961) xác định: Phải coi trọng phát triển công nghiệp mỏ. Tiếp đó đại hội đại biểu Đảng bộ khu Hồng Quảng lần thứ I (từ 11 đến 18-9-1963) chỉ rõ: “Với nhiệm vụ sản xuất đó, cần phải thực hiện tốt cả hai yêu cầu sản xuất, cải tạo mỏ để đưa sản xuất vào đúng yêu cầu kỹ thuật, tạo điều kiện không ngừng sản lượng than trong những năm tới; cần lưu ý thật đầy đủ tới vấn đề phẩm chất sản phẩm tỷ lệ than cục, tiết kiệm gắt gao về than cục, coi trọng công tác an toàn lao động”.
Để khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, động viên cán bộ, công nhân hăng say sản xuất, đầu năm 1961, mỏ đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1961 và kế hoạch 5 năm lần thữ nhất (1961 - 1965); phong trào thi đua học tập Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) lá cờ đầu ngành công nghiệp toàn miền Bắc.
Tháng 10 năm 1962, mỏ đã triển khai phong trào thi đua đăng ký phấn đấu trở thành tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, đăng ký với khu Hồng Quảng 8 tổ thì 6 tổ đã được Khu công nhận. Năm 1963 có 14 tổ đăng ký thì năm 1964 có 105 tổ và đến năm 1965 có 203 tổ đăng ký.
Từ tháng 7 năm 1964, phong trào “Mỗi ngày làm việc bằng hai” theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (trong Hội nghị chính trị đặc biệt ngày 27-3-1964) phong trào thi đua lao động sản xuất càng sôi nổi với khí thế hào hùng.
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ liều lĩnh huy động máy bay tàu chiến bắn phá miền Bắc nước ta trong đó có Quảng Ninh với tinh thần “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, với khẩu hiệu “Chắc tay búa, vững tay súng”, phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”…làm thêm giờ chống Mỹ. Sáu tháng đầu năm 1965 đã có 2.658 cán bộ, công nhân viên viết đơn tình nguyện làm theo lời Bác, 1.717 đoàn viên thanh niên tình nguyện “ba sẵn sàng”, 1.089 bộ đội chuyển ngành phục viên, 714 đoàn viên thanh niên đăng ký 4 tốt, 2.068 cán bộ, công nhân viên tình nguyện giảm phép năm, 1.087 người xung phong làm thêm giờ chống Mỹ cứu nước.
Trong các phong trào thi đua, mỏ lấy công tác vận động hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật làm trọng tâm. Mỗi người, mỗi phân xưởng đều tiến hành thao diến kỹ thuật nhằm phá kỷ lục, giành danh hiệu kiện tướng và được gắn hoa hồng.
Qua các đợt thao diễn kỹ thuật đã phát hiện nhiều bất hợp lý và phát huy 120 sáng kiến, phá vỡ 170 chỉ tiêu, tiết kiệm được 17.766 công, trị giá 324.243 đồng, đưa năng suất lên cao.
Tin thi đua phát ra hàng giờ, từng ca, từng ngày để kịp thời động viên khen thưởng.
Giải thưởng thi đua lấy động viên tinh thần là chính, vật chất không đáng là bao. Mỗi cá nhân phá kỷ lục được trao một bông lơ, ba kỷ lục được trao một bông hồng đỏ thắm (bằng vải mua ở Hải Phòng) và được phong kiện tướng phá kỷ lục lần thứ nhất. Nhiều công nhân đã phấn đấu giành được kiện tướng phá kỷ lục từ 5 – 7 lần.
Cùng với thực hiện các đợt phát động thi đua, mỏ đã triển khai hai cuộc vận động lớn:
Một là: Cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô lãng phí, quan liêu (còn gọi là cuộc vận động 3 xây 3 chống)”.
Cuộc vận động bắt đầu từ cuối năm 1963 đến hết năm 1965 nhằm làm thay đổi toàn diện các mặt tư tưởng, nâng cao trình độ quản lý tăng cường hiệu quả kinh tế, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên vật liệu, xây dựng mối quan hệ công tác, phong cách làm việc giữa cán bộ với công nhân. 
Hai là: Cuộc vận động “Ba cải tiến”, “Ba điểm cao” nhằm cải tiến phương pháp công tác, giảm bớt những công tác thừa, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, giành năng suất, chất lượng cao, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”.
Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, cũng là lần đầu tiên được trang cấp thiết bị để từng bước cơ giới hóa như được cấp 2 động cơ đi-ê-zen 330 đã nâng tổng công suất máy phát điện của xí nghiệp trên 1000KW, tự cung cấp cho mỏ trong khi chưa được tiếp nhận nguồn điện của Trung ương. Một máy sàng và máy khoan mìn lò đá trong điều kiện lò phải vừa sản xuất, vừa mở rộng mỏ để chuẩn bị cho những năm sau.
Nhằm hoàn thành nhiệm vụ trước mắt cũng như mục tiêu lâu dài, từ năm 1961, mỏ tiếp tục phục hồi và khai thác các lò: Non Đông 2, 50/3 và 58/3…đào thêm các lò đá mới chủ yếu là những lò xuyên vỉa, năm 1962 xin cấp vốn kiến thiết cơ bản cho các khu vực Bình Minh khu 58, các khu vực 65 và Non Đông.
Năm 1963, tiến hành thăm do than tại khu vực Bình Minh, đào 1.680m lò trong đó có 245m lò đá ở 2 vỉa A và B.
Dựa trên kết quả thăm dò, mỏ đã lập kế hoạch khai thác trước mắt với việc quy hoạch lâu dài. Từng gương lò đều được lập lý lịch theo dõi quá trình khai thác. Lò chợ dài 56, Non Đông và lò chợ dốc Bình Minh đã được lập phương án chu đáo trước khi bước vào khai thác. Quá trình sản xuất than được đầu tư trang thiết bị từng bước cơ giới hóa dây chuyền sản xuất.
Nhà sàng tập trung là công trình trọng điểm có ý nghĩa quyết định góp phần nâng cao sản lượng than. Những phần việc xây dựng cơ bản đơn vị bạn trực tiếp đảm nhận. Mỏ tự quản lý việc xây dựng và lắp đặt, trong khi thiếu nhiều nguyên vật liệu, lao động phương tiên thi công. Trước thực tế đó mỏ đã theo dõi chặt chẽ từng bước tiến bộ, chủ động mạnh dạn tự thiết kế, chỉ đạo nhanh chóng lắp đặt trang thiết bị để đưa công trình vào hoạt động, đảm bảo công suất sàng tuyển từ 400.000 đến 500.000 tấn một năm.
Tiêu biểu nhất là việc tự thiết kế, chế tạo thành công sàng (2-9) theo kiểu sàng BKG của Liên Xô, tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn dồng, chất lượng được Tổng công ty Than Quảng Ninh xác nhận là tốt. Thứ trưởng Vũ Anh về khen thưởng.
Từ năm 1963, các lò đá rắn đã được trang bị máy bắn mìn, máy khoan hơi, máy khí nén ở Bình Minh, mỏ thí điểm đưa cơ giới hóa vào vận tải và đào lò xây dựng cơ bản, đưa máy xúc đá và một số xe goòng lật, tầu điện ắc quy vào kéo than lò và mặt bằng khu 58 Non Đông. Sau khi thử nghiệm có kết quả đã đưa tàu điện vào kéo từ hộc chứa 58 ra sàng Non Đông. Tiếp đó đưa vào kéo than ở các lò Non Đông 1 và các lò khác trong toàn mỏ. Mỗi đầu tàu kéo được từ 10 đến 12 goòng loại 600 lít. Các lò được lắp thêm quạt cục bộ, đường ống gió.
Nhà máy cơ khí cũng được đầu tư trang thiết bị: máy công cụ, phương tiện vận chuyển (ô tô), máy gạt, cần cẩu. Đội ngũ công nhân trình độ kỹ thuật ngày càng được nâng lên. Bởi vậy đã tạo ra hàng loạt công trình sản phẩm, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất như: phục hồi thêm 5 đầu tầu hỏa, chế tạo phục hồi hàng trăm toa xe các loại, 8 trục chuyển tải gỗ, 5 băng chuyền, chế tạo máy nghiền, máng rửa than thủ công, cải tạo và mở rộng, lắp đặt thêm các hệ thống đường điện lực, điện truyền thanh, điện thoại, cải tạo cầu rót than ở bến.
Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất như: thí điểm giải quyết “bùng nền” với phương pháp chống vì hình tròn bằng gỗ tại xuyên vỉa Non Đông III và phương pháp đóng cọc “an ke” lò xuyên vỉa 56/1 mức +25.
Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, cũng là 5 năm mỏ Mạo Khê mở rộng quy mô sản xuất, từng bước cơ giới hóa, đẩy mạnh sản xuất. Từ sản xuất thủ công, mỏ tự lực cải tạo xây dựng cơ sở vật chất đưa lên cơ giới hóa hầu hết những công việc nặng nhọc, giải phóng sức lao động, đưa năng suất lên cao.
Quá trình cơ giới hóa đã tạo ra một lớp cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn giỏi. Công nhân có tay nghề vững vàng, có người trở thành thợ lành nghề như: Cao Văn Tùng, Nguyễn Văn Tâm, Đinh Đức Tinh, Mai Văn Đường, đồng chí Bèn, Nguyễn Văn Đen…
Năm năm ấy thì 4 năm(1961 - 1964) mỏ liên tục hoàn thành kế hoạch, vượt chỉ tiêu Nhà nước giao 4-15%. Năm 1965, do giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, người và phương tiện phải sơ tán, lực lượng lao động phân tán để đảm bảo nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đầu. Mặt khác, việc cung ứng vật tư của Nhà nước cho mỏ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, mỏ không hoàn thành kế hoạch, chỉ đạt 90,09%.
Tổng kết thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất mỏ đã hoàn thành 104,8% kế hoạch Nhà nước giao. Được Nhà nước tặng thưởng: một Huân chương Lao động hạng Ba, hai bằng khen của Bộ Công nghiệp. Được tặng danh hiệu Ghéc-man-ti-tốp. Tổng Công ty than Quảng Ninh, Liên hiệp Công đoàn tỉnh, Trung ương đoàn thanh niên tặng nhiều bằng khen và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm (ngày 16-4-1964).
(Còn tiếp....)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây