Công ty than Mạo Khê

http://thanmaokhe.vn


"65 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG NHÂN CÔNG TY THAN MẠO KHÊ" - Phần 4.


CHƯƠNG III
CÔNG NHÂN MỎ MẠO KHÊ TRONG ĐẤU TRANH GIÀNH VÀ GIỮ CHÍNH QUYỀN KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1930-1954)
 
Chùa Non Đông, nơi đây đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Nguyên Tổng bí thư của Đảng, cùng các chiến sĩ cách mạng trước những năm 1930 thường xuyên tổ chức hội họp, xây dựng cơ sở mật để hoạt động chỉ đạo phong trào vô sản hóa tại vùng mỏ, tiến tới thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh tại Mạo Khê.
 
Cuộc khủng hoảnh kinh tế của các nước tư bản chủ nghĩa trong những năm 1929-1933 trong đó có Pháp cũng lâm vào tình trạng điêu đứng. Nó kéo theo cả hệ thống kinh tế ở các nước thuộc địa: ngành khai thác than của thực dân Pháp ở Khu mỏ chịu sự tác động rất mạnh mẽ…Than khai thác ra không có nơi tiêu thụ. Trước tình hình đó bọn chủ mỏ thực dân phải giảm mức sản xuất và chi phí sản xuất – mà phần chủ yếu là lương của công nhân – sản lượng than của Khu mỏ năm 1929 là: 1.561.000 tấn đến năm 1931 chỉ còn 1.072.000 tấn.
Để tồn tại được, các tập đoàn tư bản Pháp khai thác than ở Khu mỏ cạnh tranh nhau ngày càng gay gắt. Công ty Than Đông Triều và Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (S.F.C.T) có lợi thế về vốn, tài nguyên, lại được chính quyền thực dân Pháp đỡ đầu nên tìm mọi cách chiếm đoạt các cơ sở sản xuất của các công ty khác.
Đứng trước khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế nhiều công ty nhỏ, quy mô sản xuất bé, vốn ít, sản xuất ngày càng bị thua lỗ, dẫn đến sự phá sản: đó là Công ty Than gầy Bắc Kỳ bị mất về tay Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ S.F.C.T vào cuối năm 1933.
Nằm dưới quyền của Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, chế độ làm việc và quản lý công nhân chặt chẽ hơn. Người thợ muốn vào làm ở mỏ không những phải có tay nghề khá mà còn phải “lót tay” 3 đến 4 đồng mới có thẻ đi làm. Trên thẻ có dán ảnh và công nhân phải mang số trước ngực như số tù. Bộ máy bạo lực như: sở cẩm, cu-lít, mật thám, (trá hình giả làm sếp máy, cai ký) được bố trí dày đặc, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của công nhân. Đời sống đã đói khổ, bị kìm kẹp, trộm cướp lại nổi lên hoành hành, “ở Mạo Khê thường bị xảy ra các vụ cướp, có vụ lớn như ở đồn điền phố Mạo Khê” làm cho đời sống công nhân và nhân dân lao động càng cực khổ hơn.
Sự ra đời của các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam ở Khu mỏ đã đẩy phong trào đấu tranh của công nhân lên một bước mới.
Ở Mạo Khê, chi bộ đã ra tờ báo “Than” để tuyên truyền giáo dục quần chúng có số báo in tới 50 bản. Các lớp học văn hoá vẫn được duy trì, nhiều tổ Công hội đỏ và Hội ái hữu ra đời. Số hội viên có hàng trăm người. Công hội hoạt động rất mạnh mẽ.
Hưởng ứng đợt đấu tranh kỷ niệm ngày quốc tế Lao động 1-5 năm 1930 lần đầu tiên Đảng ta thống nhất lãnh đạo đấu tranh trong cả nước, cờ Đảng được treo ở Mạo Khê kêu gọi công nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động.
Để chào mừng cách mạng Tháng mười Nga, đầu tháng 11 năm 1930, Đặc Khu ủy phát động phong trào đấu tranh trong toàn Khu mỏ từ ngày 4 tháng 11 năm 1930, chi bộ đã rải truyền đơn kêu gọi công nhân biểu tình kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Sau vụ bạo động của Việt Nam Quốc dân Đảng tháng 2 năm 1930, chính quyền thực dân và bọn chủ mỏ lồng lộn, điên cuồng lùng sục, bắt bớ, đàn áp những người cách mạng. Chặn các đường giao thông, đón bắt cán bộ ta vào Khu mỏ hoạt động. Nhiều tổ chức và đoàn thể quần chúng cách mạng bị địch phá vỡ. Đồng chí Vũ Văn Hiếu, bí thư đầu tiên của Đặc Khu, cùng một số đồng chí khác bị địch bắt ngay tại cơ quan Đảng ủy Cẩm Phả - Cửa Ông.
Trước tình hình đó, tháng 3 năm 1930, đồng chí Vũ Thị Mai phải chuyển công tác từ Mạo Khê về Hải Phòng làm giao thông cho Xứ ủy. Và sau đó, đồng chí Đặng Châu Tuệ cũng phải chuyển đi nơi khác công tác vào mùa hè cùng năm.
Nhằm khủng bố tinh thần của các chiến sỹ cộng sản và đe dọa quần chúng cách mạng, ngày 26 tháng 1 năm 1931, bọn quốc Pháp đã tổ chức phiên tòa đặc biệt lưu động (gọi là Hội đồng đề hình) tại Kiến An, xử 72 chiến sỹ cộng sản (trong đó có những chiến sỹ đã từng hoạt động ở Mạo Khê bị địch bắt), đã biến tòa thành nơi tuyên truyền cách mạng, buộc tội kẻ thù.
Đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) hoạt động ở Mạo Khê năm 1926: Tôi không cần từ chối gì nữa về hoạt động cách mạng của tôi cả, vì đó là bổn phận của tôi góp sức với 20 triệu đồng bào và đánh đổ giai cấp tư sản đế quốc.
Đồng chí Nguyễn Huy Sán (hoạt động ở Hòn Gia, Mạo Khê năm 1929-1930) “tôi là công nhân, tôi theo Đảng để bênh vực quyền lợi cho vô sản”.
Đồng chí Nguyễn Thị Hợi đã từng hoạt động ở Mạo Khê trả lời tên chánh án: “Phải tôi vào Đảng cộng sản bởi vì chủ nghĩa cộng sản một học thuyết đúng đắn và bản thân anh nếu anh là người vô sản chắc chắn anh cũng vào Đảng như tôi”.
Mặc dù kẻ thù “khủng bố trắng, không thể làm giảm sút tinh thần cách mạng của chiến sỹ”. Những câu trả lời của anh chị em trước tòa án đã chứng tỏ điều đó; mặc dù những người này không được nói nhiều.
Những tấm gương chiến đầu, dũng cảm quên mình, thà quyết tử cho Tổ quốc trường sinh, hết lòng vì Đảng vì dân mãi mãi ngời sáng, tô đậm trang sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta và của Đảng bộ và công nhân mỏ Mạo Khê.
Trước tình hình đó Đảng ta đã thông cáo cho các cấp bộ Đảng rút vào hoạt động bí mật.
Phong trào cách mạng bị khủng bố trắng, nhưng do công tác tổ chức chặt chẽ, tinh thần cảnh giác cao nên các cơ sở và tổ chức quần chúng ở Mạo Khê không bị địch phá vỡ, quần chúng vẫn tin tưởng và hướng về Đảng, bảo vệ cơ sở, đó là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phong trào cách mạng tiến lên nhanh hơn khi điều kiện thuận lợi thời cơ xuất hiện.
Chiến dịch khủng bố trắng của thực dân chủ tập trung vào những nơi có phong trào cách mạng của cả nước. Khu mỏ là nơi tập trung đông dân cư, lực lượng công nhân lớn mạnh, phát triển sớm nên cũng bị thực dân Pháp và chủ mỏ khủng bố gắt gao.
Theo báo cáo của Đặc khu ủy Hồng Gai, tháng 10 – 1930 toàn khu mỏ có 64 đảng viên và 43 hội viên công hội đến tháng 12 năm 1930 còn lại 38 đảng viên và 29 hội viên công hội đỏ và đến tháng 4 năm 1931 chỉ còn 8 đảng viên và 10 hội viện công hội đỏ. Cuối năm 1931, đầu năm 1932, hầu hết các tổ chức Đảng ở Khu mỏ từ cơ sở đến Đặc khu ủy đều bị địch phá vỡ. 
Nhiều quần chúng cách mạng và chiến sỹ cộng sản bị chúng đánh đập hết sức dã man, chúng lập các phiên tòa lưu động đặc biệt xử công khai kết án rất nặng các chiến sỹ cộng sản. Nhiều người bị kết án tù 20 năm đến khổ sai chung thân. Có người bị kết án tử hình.
Đối với những gia đình có tham gia cách mạng hoặc bị chúng tình nghi, bọn mật thám ngày đêm rình mò, cảnh sát đến khám xét, lục lọi, đánh đập, cướp bóc tài sản, nhiều người bị đuổi khỏi Khu mỏ.
Đi đôi với khủng bố đàn áp những người cách mạng, thực dân Pháp dùng tiền tài, địa vị ban thưởng cho bọn tay sai phản động.
Nhiều tên đại lý, mật thám Pháp biết tiếng Việt đi sâu vào các lán trại, tầng lò tỏ vẻ quan tâm đến đời sống của công nhân. Chúng còn cho xây thêm nhà thờ, đền chùa, đưa một số tên tay sai đội lốt tôn giáo hòng lôi kéo mê hoặc công nhân và quần chúng cách mạng.
Chúng lấy cớ cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 để hạ lương giãn thợ, tăng giờ làm, bóc lột sức lao động của công nhân. Tiền lương của công nhân cuốc than năm 1929 là 35 xu một ngày công, năm 1935 là 28 xu một ngày công. Trong khi đó, gía cả hàng hóa tăng gấp 2…đã thế, bọn chủ thầu, giám thị, cai sếp còn hành hạ cúp phạt công nhân nặng nề hơn.
Trong khi nhân dân ta đang bị thực dân áp bức bóc lột tàn bạo, quyền tự do, dân chủ bị bóp nghẹt, điều kiện thuận lợi mới giúp phong trào cách mạng nước ta tiếp bước tiến lên đó là:
Ở nước Pháp Mặt trận nhân dân Pháp và Chính phủ phái tả đề ra chính sách tiến bộ đối với các nước thuộc địa: Quyết định thả tù chính trị, thành lập Ủy ban điều tra tình hình thuộc địa, bổ sung Luật lao động xã hội.
Căn cứ và tình hình thế giới, nước Pháp và Đông Dương tháng 7 năm 1936, hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ta đã họp tại Thượng Hải do đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì. Đề ra mục tiêu trước mắt của toàn Đảng toàn dân ta là: đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình. Kẻ thù chủ yếu trước mắt của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai của chúng…chuyển hình thức tố chức bí mật không hợp pháp sang hình thức có tổ chức công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp.
Mặc dù cuối năm 1936, tổ chức Đảng ở Khu mỏ cũng như ở Mạo Khê chưa được phục hồi, nhưng một số Đảng viên tù chính trị được thả tự do và một số đảng viên ở nơi khác đã đến Khu mỏ hoạt động. Vì vậy, Nghị quyết của Đảng được truyền trong công nhân với nhiều hình thức và phương pháp khéo léo che mắt kẻ thù. Phong trào đấu tranh của công nhân Khu mỏ lại tiến những bước mới, mà tiêu biểu là cuộc tổng bãi công của 3 vạn công nhân mỏ Cẩm Phả - Hồng Gai nổ ra ngày 13 tháng 11 năm 1936 làm rung chuyển bộ máy chính trị của bọn thực dân chủ mỏ.
Được ảnh hưởng của cuộc tổng bãi công của công nhân mỏ Hồng Gia – Cẩm Phả, công nhân Mạo Khê chuẩn bị đấu tranh, bọn chủ mỏ lo sợ, vội vàng ra thông báo tăng lương cho công nhân kể từ ngày 21 tháng 11 năm 1936. Ai ăn lương dưới 0,60 đồng (tiền Đông Dương) mỗi ngày thì được tăng 10%...
“Ông kỹ sư chủ mỏ cùng với mọi người đều vui vẻ, vì sự tăng lương đó sẽ khiến cho sinh hoạt hiện thời của ai nấy được dễ dàng, tuy rằng đời sống đắt đỏ lên và nhất là gạo kém đi…ai nấy muốn rằng Mạo Khê là nơi mình cư trú, ở đây mình có gia quyến, có ruộng đất, là nơi mình quen thuộc rồi, muốn rằng sống mãi mãi, vậy ông kỹ sư khẩn khoản xin anh em phải cố gắng cùng sức làm ăn gấp 2 khi trước, khiến cho sở mỏ, chịu sự tăng công dễ dàng”.
Sau khi tăng lương, chủ mỏ thực hiện một số chế độ lao động cho người thợ: ngày làm tám giờ, được nghỉ chủ nhật và phép năm.
Tất cả những việc làm đó là phương pháp xoa dịu hòng bịp bợm công nhân. Người thợ vẫn bị chủ mỏ và cai thầu đối xử tàn tệ, đánh đập, cúp phạt.
Ngày 1 tháng 12 năm 1936, hơn 100 công nhân mỏ Mạo Khê tiếp tục đấu tranh phản đối hành động dã man tàn bạo của cai sếp, phải tăng số đất đèn đủ đốt vào lò, cải thiện chế độ lao động, chủ mỏ Hen-nơ-canh buộc phải thỏa mãn yêu sách của công nhân.
Phong trào đấu tranh của công nhân mỏ Mạo Khê trong cao trào cách mạng 1936-1939 về quy mô chưa lớn, hình thức còn nhỏ và phạm vi còn hẹp so với phong trào đấu tranh của công nhân mỏ ở Hồng Gai, Cẩm Phả, nhưng nó thể hiện sự nhạy cảm về chính trị, tinh thần đoàn kết gắn bó, tinh thần chiến đấu bền bỉ, dẻo dai, liên tục tiến công kẻ thù giành thắng lợi từng bước của công nhân và quần chúng cách mạng ở mỏ Mạo Khê, tiêu biểu là những chiến sỹ cộng sản.
Ngày 1 tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, ngày 28 tháng 9 năm 1939 bọn cầm quyền ở Đông Dương ra Sắc lệnh giải tán toàn bộ các tổ chức Ái hữu, thì ngày hôm sau bọn cầm quyền thực dân Pháp đã tấn công, đàn áp các tổ chức cách mạng, cấm mọi hoạt động của các tổ chức đoàn thể cách mạng, quyền tự do dân chủ ở Khu mỏ và nhân dân ta đã giành được trong cao trào cách mạng 1936-1939. Chúng tuyên bố đặt ngoài vòng pháp luật các tổ chức Ái hữu dưới mọi hình thức (dù đơn giản nhất như các hội chơi cờ, hiếu hỉ…). Chúng huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát, mật thám kiểm tra, lùng sục bắt bớ, giam cầm và xử án hàng loạt quần chúng mà chúng nghi là hoạt động cách mạng.
Do địch khủng bố điên cuồng, từ cuối năm 1939 đầu năm 1940, tổ chức Đảng ở Khu mỏ bị vỡ từng mảng, chỉ còn tổ chức Đảng duy nhất là chi bộ Đảng ở Uông Bí. Những nơi khác chỉ còn một ít Đảng viên hoạt động lẻ tẻ. Mối liên hệ giữa tổ chức Đảng ở Khu mỏ với Xứ ủy và liên tỉnh ủy B bị gián đoạn.
Trong điều kiện cách mạng bị khủng bố, tổ chức Đảng và quần chúng ở Khu mỏ chuyển vào hoạt động bí mật không hợp pháp.
Mặc dù Xứ ủy và Liên Tỉnh ủy B cử nhiều cán bộ về Khu mỏ để hoạt động củng cố xây dựng tổ chức, xây dựng cơ sở nhưng vì địch khủng bố rất gắt gao. Các cán bộ điều tra bị bật ra ngoài hoặc bị địch bắt.
Ở Mạo Khê, tổ chức Đảng và quần chúng cách mạng chưa phục hồi. Do đó phong trào cách mạng ở đây vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Trong khi phong trào cách mạng của cả nước đang bị kẻ thù khủng bố, lại phải đương đầu với những khó khăn thử thách mới, với kẻ thù mới.
Sau khi tiến quân xâm lược Trung Quốc, phát xít Nhật chớp lấy thời cơ cướp Đông Dương. Bọn thực dân Pháp đã cúi đầu chấp nhận để cho quân đội Nhật chiếm Đông Dương. Ngày 2 tháng 9 năm 1940, quân đội Nhật tiến vào Lạng Sơn và đổ bộ vào cảng Hải Phòng thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật.
Sau khi Nhật chiếm đóng nước ta, chúng câu kết với bọn thực dân Pháp áp bức, bóc lột nhân dân ta, thẳng tay đàn áp, khủng bố cách mạng, nhằm phục vụ cho ý đồ xâm lược lâu dài của chúng. Giặc Nhật đã lập các tổ chức phản động, tay sai đắc lực của chúng như: “Đảng Đại Việt”, “Phục Quốc” để chống phá cách mạng nước ta.
Ở Quảng Yên, Hồng Gai và Hải Ninh, bọn phát xít Pháp – Nhật điên cuồng khủng bố cách mạng, chúng tung bọn mật thám và lính đi khắp phố thợ, tầng lò, làng xóm, khu phố bắt bớ những người chúng nghi là hoạt động cách mạng. Nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt, số khác phải tạm lánh đi nơi khác, hoặc ngừng hoạt động. Đến tháng 5 năm 1941, các chi bộ ở Uông Bí, Vàng Danh, Nhà máy kẽm Quảng Yên đều bị vỡ.
Cùng với những hành động trên, giặc Nhật cho bọn “Đại Việt” đi lôi kéo những phần tử phản độngvào tổ chức của chúng. Chúng giương cao khẩu hiệu với chiêu bài “chống Pháp” lừa phỉnh nhân dân, nhưng thực chất là tay sai của Nhật đàn áp cách mạng.
Bọn phản động người Việt ở Trung Quốc do Tưởng Giới Thạch tập hợp lại thành tổ chức như Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam cách mệnh đồng minh Hội (Việt Cách) chuản bị âm mưu lâu dài của Tưởng là xâm chiếm Việt Nam.
Cùng với bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách là bọn phỉ người Hoa, hàng nghìn tên do Lương Đại Bân và Lương Sâm cầm đầu, chúng hoành hành ở khu vực Đông Triều, Chí Linh, hàng ngày đi quấy nhiễu, cướp phá của nhân dân trong vùng.
Sự suy thoái về kinh tế của đế quốc Pháp – Nhật trong chiến tranh đã trút lên đầu người dân thuộc địa, để bù đắp lại sự mất mát trong chiến tranh.
Chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra, bọn chủ mỏ Pháp đã lập tức xóa bỏ Nghị định ngày 11 tháng 10 năm 1936 của toàn quyền Đông Dương và Nghị định ngày 30 tháng 12 năm 1936 của bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp thi hành chính sách “lao động thời chiến” làm thêm giờ, nhưng không được thêm lương. Công nhân mỏ tăng giờ làm việc từ 10-12 giờ rồi lên 14 giờ nhưng chúng khống chế không cho công nhân làm việc quá hai tuần trong một tháng. Ở Mạo Khê (cũng như Hồng Gai – Cẩm Phả), công nhân chỉ được làm việc 6 đến 10 ngày trong một tháng. Đã thế lương của công nhân chúng trả theo công nhật, bởi vậy bị giảm đi rất nhiều. Một số thợ mỏ bị vào lính, hoặc phải đi đăng ký làm thợ trong hàng ngũ quân đội của chúng.
Tại các mỏ than, Nhật vẫn cho Pháp tiếp tục được khai thác nhưng chúng cử một tên quan hai trực tiếp cai quản, điều hành và quyết định mọi vấn đề quan trọng. Sản lượng than hàng năm sa sút, công nhân bị sa thải nên số lượng giảm đi rõ rệt.
Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ năm 1939 có 26.385 người thì năm 1940 chỉ còn 17.029 người.
Công nhân mỏ Mạo Khê cũng như nhân dân các tầng lớp lao động khác của cả nước cùng chịu chung cảnh ngộ do bọn phát xít Nhật – Pháp gây lên. Để bù dắp lại sự hao hụt ngân sách trong chiến tranh, chúng tăng các loại thuế tiền thổ, thuế thân, thuế môn bài…gấp 2 đến 3 lần, giá cả các mặt hàng tăng vọt (giá gạo tăng 100%)…Năm 1939 – 1940, lũ lụt lại xảy ra liên tiếp gây mất mùa, bọn phản động người Hoa và Việt quốc, Việt Cách thường xuyên quấy rối cướp phá của cải của nhân dân, bọn Nhật cho lính đi thu thóc của nhân dân. Vì vậy đời sống của công nhân, nông dân và một số tầng lớp lao động khác càng đẩy nhanh tới con đường cùng của sự bần cùng hóa. 
Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, chuyển biến mau lẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến cách mạng nước ta. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng.
Mỏ Mạo Khê, tuy chi bộ Đảng chưa được phục hồi, nhưng căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tám (tháng 5 - 1941) những quần chúng tích cực của Đảng đã bí mật tổ chức các cuộc đấu tranh lãn công, đình công, hoặc phá hoại kinh tế của địch như: Cuộc đấu ttranh của thợ lò Giooc-dan (56), Pi-o (Non Đông) và Phông –ten (58), tháng 9 năm 1941.Người đứng đầu là các công nhân: Bính, Thi, Kịch, Kiệm hô hào anh em bỏ việc, kéo về chủ mỏ đòi phải cho tầu kéo gỗ vào cửa lò, tăng gạo hàng ngày cho thợ từ 0,8 lên 1 kg, yêu cầu chủ Xu-va-giăng không được cúp phạt thợ…cuộc đấu tranh lan đến cả xưởng cơ khí (tên sếp phải đóng cửa lại ngăn công nhân), buộc chủ mỏ Rit-sa phải nhận yêu sách của họ.
Sau cuộc đấu tranh, mặc dù bọn mật thám đã bắt và thủ tiêu anh công nhân Bính, người dẫn đầu tổ chức cuộc đấu tranh nhưng công nhân vẫn lợi dụng lúc trời mưa sập thìu 1 đến 14 lò chợ Giooc-dan, đánh đổ đoàn tàu chở than từ Pi-ô ra Giooc-dan (Non Đông) tháng 12 năm 1943.
Những cuộc đình công, lãn công, phá hoại kinh tế địch của công nhân mỏ Mạo Khê đã làm cho bọn chủ mỏ phải thốt lên: “Phải trả đủ cho anh em 1 kg gạo, thế mà anh em chỉ làm được 5 lạng than”.
Sau những cuộc đấu tranh này, chủ mỏ phải giao các cửa lò của Công ty (S.F.C.T) cho các chủ thầu vì bị thua lỗ quá nhiều.
Thời gian này các cuộc đấu tranh chỉ nổ ra lẻ tẻ, trong phạm vi hẹp, dưới hình thức hợp pháp đòi quyền lợi kinh tế vì chưa phục hồi được tổ chức Đảng cũng như tổ chức quần chúng. 
Từ năm 1944, nhiều cán bộ Việt Minh đã trở về vùng Đông Triều – Mạo Khê hoạt động.
Cuối năm 1944, đồng chí Nguyễn Văn Đài từ trong nhà tù đế quốc trở về Mạo Khê và vùng Đông Triều. Đồng chí đã gây dựng được một số tổ Việt Minh bí mật gồm 32 người (do đồng chí Đào Văn Thịnh – tức Trần Quang là tổ trưởng).
Thành lập được Việt Minh tại Mạo Khê là cơ sở tốt để chuẩn bị cùng nhân dân trong vùng đứng lên giành chính quyền cách mạng khi có thời cơ.
Cũng từ cuối năm 1943, đầu năm 1944, ngoài việc rải truyền đơn, cáo thị chống Nhật, hoạt động bán vũ trang đã bắt đầu xuất hiện chống bọn thổ phỉ người Hoa hoạt động ở Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê.
Được sự giúp đỡ của nhân dân, thanh niên ở các thôn Bắc Mã, Hổ Lao huyện Đông Triều đã tập hợp nhau lại tự vũ trang canh gác chống phỉ bảo vệ dân làng. Các cán bộ Việt Minh đã chớp lấy cơ hội này giúp họ, tổ chức họ vào các đội thanh niên cứu quốc. Chẳng bao lâu, các tổ chức này được lan rộng tới Trạo Hà, Kim Sen, Mạo Khê.
Phong trào cách mạng của nhân dân ta vùng Đông Bắc, Chí Linh đang phát triển mạnh, đầu năm 1945, Tỉnh ủy Hải Dương đã cử thêm nhiều cán bộ về đây móc nối, xây dựng thêm cơ sở cách mạng.
Đêm 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, sau ba ngày Đông Dương hoàn toàn trở về tay Nhật. Đây là thời cơ mới để nhân dân ta vùng dậy đánh đổ Nhật – Pháp giành độc lập.
Ở tỉnh Quảng Yên, Đặc khu Hồng Gai và Hải Ninh, sau khi dẹp xong quân Pháp, quân Nhật đóng trên dọc đường số 18 Quảng Yên - Bãi Cháy, Yên Lập, Hồng Gai, Tiên Yên, Hải Ninh và Móng Cái…chúng tích cực xây dựng lực lượng bảo an cải tổ bộ máy ngụy quyền…tăng cường mạng lưới mật thám chỉ điểm
 nhằm đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta.
Giặc Nhật dùng chính sách vừa mua chuộc, dụ dỗ lừa phỉnh, đàn áp nhân dân ta. Chúng tuyên truyền thuyết “Đại Đông Á”, “Đồng da đông chủng” tuyên truyền trong thanh niên và tầng lớp trên lối sống Nhật để mê hoặc, lôi kéo quần chúng. Mặt khác chúng thẳng tay đàn áp những người cách mạng; thực hiện “chính sách kinh tế thời chiến”, tăng các loại thuế, thu thêm thóc tạ…Ở trong mỏ, chúng cho bọn tư bản Nhật hùn vốn kinh doanh với chủ mỏ Pháp trong công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ để bòn rút sức lao động của công nhân mỏ. Tất cả những việc làm trên nhằm củng cố địa vị của Nhật trên đất mỏ cũng như ở Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Hậu quả là nền kinh tế nước ta bị kiệt quệ, đời sống nhân dân lao động bị điêu đứng. 
Đầu năm 1945, nạn đói xảy ra trên cả nước, mỏ Mạo Khê có khoảng 4.000 công nhân thì 800 người bị chết đói có gia đình người Nhị Chiểu, Kinh Môn làm công nhân mỏ chết hết không còn một ai, đi đâu cũng gặp mả mới.
Dưới ánh sáng Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tám tháng 5-1941 và nội dung Chỉ thị ngày 12 tháng 3 năm 1945 “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, công nhân Mạo Khê tích cực hưởng ứng chủ trương giải phóng dân tộc của Đảng, ra sức xây dựng lực lượng, chớp thời cơ cùng nhân dân trong vùng nổi dậy cướp chính quyền.
Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1945, cơ sở Đảng và tổ chức Việt Minh ở một số nơi thuộc huyện Yên Hưng, Khu mỏ Hồng Gai, huyện Móng Cái (Hải Ninh) được khôi phục và phát triển. Nhưng phong trào mạnh nhất là ở huyện Đông Triều. Cùng với các làng Bắc Mã, Hổ Lao, Đạm Thủy…các đoàn thể cứu quốc (công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc…) đã được thành lập ở Mạo Khê. Lực lượng này đã vũ trang, luyện tập quân sự, tuần tra canh gác chống bọn phỉ cũng như bọn gián điệp, mật thám của mỏ…Các hình thức tuyên truyền vũ trang như: diễn thuyết, rải truyền đơn, căng biểu ngữ, dán cáo thị ở các bến đò, bến xe, trong cửa lò, lối đi vào các xóm thợ kêu gọi chống Nhật, được diễn ra nhiều nơi ở huyện Đông Triều và mỏ Mạo Khê. Đội tự vệ mỏ Mạo Khê đã chặn đánh bọn phỉ ra cướp bóc, một chiến sỹ tự vệ hy sinh.
Phong trào cách mạng lên mạnh, binh lính người Việt ở các đồn Mạo Khê, Uông Bí, Đông Triều đã tìm cách tiếp xúc và mang vũ khí về với Việt Minh. Ở mỏ Mạo Khê số người trong tầng lớp trí thức tiến bộ hoặc cai ký đã tìm cách liên lạc với Việt Minh qua giáo Kha (Đoàn Phụng) dạy học cho con chủ mỏ Richarơ từ cuối năm 1941 – 1942 đã hoạt động trong phong trào Việt Minh từ cuối năm 1944.
Lực lượng bán vũ trang ở các khu vực Đông Triều ngày càng phát triển, yêu cầu phải có vũ khí tự vệ, chiến đấu anh em công nhân mỏ Mạo Khê đã sử dụng máy móc, nguyên liệu của bọn chủ mỏ, bí mật chế tạo, sửa chữa vũ khí thông thường như: dao, rựa, mìn, lựu đạn để tự trang bị cho mình và cung cấp cho các xã lân cận.
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ ngày 15-4-1945, chủ trương xây dựng Chiến khu Trần Hưng Đạo (tức Đệ tứ chiến khu, tức Chiến khu Đông Triều) ở vùng Đông Bắc. Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, tỉnh ủy lâm thời Hải Dương đã cử hai đồng chí tỉnh ủy viên và một số cán bộ, đảng viên đến huyện Đông Triều, Chí Linh… để xây dựng lực lượng phát động nhân dân tiễu phỉ để lập chiến khu.
Đồng chí Hải Thanh về Mạo Khê xây dựng lực lượng.
“Tôi về Mạo Khê được mấy tuần thì anh em góp tiền mua cho chiếc xe đạp bánh đặc, đốc tờ Luyện cho tôi một khẩu Mô-de và một bản đồ quân sự”.
Được cán bộ Việt Minh cấp trên về phổ biến chủ trương của Đảng chuẩn bị tổng khởi nghĩa cướp chính quyền “anh em tự tạo lấy mỗi người một con dao găm, anh em ở nhà không có điều kiện rèn được…phải xuống vận động ông Phó Mai ở dưới bãi làm thợ rèn nhà quê rèn cho”…công nhân và cai ký tiến bộ đã lấy trộm mìn của chủ mỏ cung cấp cho tổ công tác. Nhiều người đã mua súng hai nòng, súng bắn chim về chuẩn bị bước vào trận chiến đấu mới.
Sau một thời gian xây dựng lực lượng và căn cứ kháng Nhật, đến cuối tháng 5 năm 1945, các đoàn thể cứu quốc ở Đông Triều đã lớn mạnh, lực lượng vũ trang và bán vũ trang tăng nhanh, khi thế cách mạng của quần chúng lên cao sẵn sàng cùng nhau chiến đấu, thề sống chết với quân thù. Một số nơi ở miền núi Đông Triều trọng tâm là các làng: Bắc Mã, Hổ Lao, An Sinh, Đạm Thủy đã hình thành căn cứ địa cách mạng.
Trước khí thế hừng hực của cách mạng, chính quyền bù nhìn thân Nhật ở cấp tỉnh, huyện hoang mang lo sợ, tên thì nằm im, tên thì tìm cách liên lạc với cách mạng xin được “giúp đỡ” để bảo toàn tính mệnh. Binh lính người Việt và một số đội sếp hoảng sợ có cảm tình hoặc ngả theo cách mạng, binh lính Nhật ở đồn rất mỏng manh, nhiều đồn chỉ có vài tên chỉ huy, lúc này cũng rất hoang mang, dao động. Chính quyền bù nhìn của Nhật ở các xã chỉ còn trên danh nghĩa.
Trong điều kiện quân Nhật và chính quyền của chúng hoang mang rệu rã, bọn phỉ đã đánh chiếm mỏ than Uông Bí, giết chết chủ Pháp, cướp phá tan hoang. Mỏ đóng cửa, nhân dân ta tan tác. Tiếp đó chúng định đánh Nhật cướp đồn Thiên (Chí Linh) vào ngày 8-6-1945. Vì lực lượng của chúng ít nên người ta mời cộng sự. Trước tình hình ấy, đêm 6 tháng 6 năm 1945, ban lãnh đạo khởi nghĩa họp tại chùa Bắc Mã quyết định: ngày 8 tháng 6 năm 1945, nhân dân cùng lực lượng vũ trang nổi dậy đồng loạt đánh chiếm các đồn Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch lập chiến khu.
Đúng ngày giờ đã định, sáng sớm ngày 8 tháng 6 năm 1945, tiếng súng của nhân dân ta đã đồng loạt tiến công kẻ thù dọc đường 18 từ Chí Linh đến Tràng Bạch dài 24 km.
Ở Mạo Khê, trước cảnh mỏ Uông Bí bị phỉ cướp và tàn sát dân, mặt khác cán bộ Chiến khu Trần Hưng Đạo vận động trước nên đúng giờ quy định, được sự cổ cũ mạnh mẽ nhân một đoàn cán bộ Chiến khu đã đến gặp chủ mỏ yêu cầu giao nộp vũ khí gồm 20 súng trường cùng toàn bộ đạn dược giao nộp đầy đủ và nhanh gọn.
Sau khi đánh chiếm được mỏ Mạo Khê, 30 công nhân mỏ đã được đến phối hợp với lực lượng đánh chiếm đồn Tràng Bạch.
Chiều ngày 8 tháng 6 năm 1945, cuộc mít tinh lớn được diễn ra tại Hổ Lao (Đông Triều), quân khởi nghĩa tuyên bố thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo (tức Đệ tứ chiến khu).
Chỉ mới tính 3 đợt bổ sung quân, công nhân mỏ Mạo Khê đã có 70 người ra nhập nghĩa quân chiến khu.
“Mạo Khê trở thành căn cứ quan trọng và tiền đồn của Chiến khu Trần Hưng Đạo”.
Phát huy khí thế chiến thắng, lực lượng của Chiến khu Trần Hưng Đạo đã mở rộng phạm vi hoạt động về Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Quảng Yên, và khu mỏ Hồng Gai – Cẩm Phả cùng khu vực miền đông (Hải Ninh) góp phần vào chiến công vang dội của cả nước giành chính quyền thắng lợi trong cách mạng Tháng 8 năm 1945, dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Sau khi mỏ Mạo Khê lọt vào tay quyền cách mạng, ngày 9 tháng 6 năm 1945, Ủy ban quân sự cách mạng lâm thời được thành lập do Ký Tín làm chủ tịch, Nguyễn Đình Thụy làm phó chủ tịch và 2 ủy viên là đại biểu công nhân.
Do trình độ quản lý và điều hành sản xuất của ta còn hạn chế, để đảm bảo đời sống cho công nhân mỏ, chính quyền cách mạng vẫn để chủ mỏ khai thác, nhưng chúng phải chịu sự quản lý của chính quyền cách mạng.
Ngày 9 tháng 6 năm 1945, Ủy ban quan sự cách mạng lâm thời ra thông báo cho chủ mỏ thực hiện một số điều kiện là:
- Phải đảm bảo việc làm cho công nhân.
- Cung cấp gạo để cứu đói và cung cấp thuốc men cho cách mạng.
Những điều kiện của cách mạng đề ra, chủ mỏ đều chấp hành, mỗi ngày chúng phải xuất từ 15 đến 20 kg gạo để cứu đói, nuôi các cháu trẻ mồ côi ở các nhà cứu bần, đợt đầu tiên chúng đã cấp 800 kg thuốc mìn cho cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng, công nhân mỏ Mạo Khê đã tích cực cùng nhân dân tăng gia sản xuất diệt giặc đói, giặc dốt, góp quỹ độc lập, tuần lễ vàng do Đảng ta phát động, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, củng cố chính quyền cách mạng (tham gia bầu đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946).
Lực lượng tự vệ công nhân mỏ thường xuyên luyện tập hàng ngày dưới sự chỉ huy của các đồng chí Bình, Minh, Kiên để bảo vệ trị an, trấn áp bọn phản cách mạng. Nhiều tên tay sai của Nhật trong tổ chức “Đại Việt” (Trần Văn Tứ, Bạch Thái Tân) và những tên cầm đầu các toán cướp (Hy, Bằng) đã bị lực lượng tự vệ công nhân trừng trị thích đáng.
Từ tháng 11 năm 1945 đến tháng 5-1945, theo yêu cầu của Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, một đại đội quân Lưu Hán (quân Tưởng) được điều động về đóng tại Mạo Khê để bảo vệ mỏ. Công nhân mỏ có tổ chức và lực lượng mạnh mẽ nên suốt 7 tháng, quân Tưởng không dám phiền hà đến dân như chúng đã làm ở các nơi: Đông Triều, Kinh Môn, Thủy Nguyên.
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, ở miền Nam được quân Anh yểm trợ, đội quân viễn chinh Pháp do tướng Lơ-Clec chỉ huy đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, sau đó đánh rộng ra các tỉnh miền Nam bộ và Trung Nam bộ.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn, chúng ta phải kiên quyết giành cho được độc lập”, công nhân mỏ đã tuyển chọn được một tiểu đội ra nhập đoàn quân Nam tiến.
Cảnh giác với những âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, cuối năm 1945, công nhân mỏ Mạo Khê đã vận chuyển  máy móc của nhà  máy cơ khí lên Đông Triều rồi lên Thiên Ngái (huyện Chí Linh). Khi Pháp tiến công đánh chiếm tỉnh Hải Dương, toàn bộ máy móc đã được vận chuyển đến Yên Mô, Đá Cóc, Cổ Vịt (Bắc Cạn) góp phần vào việc xây dựng lên công binh xưởng đầu tiên của quân đội ta.
Sau khi đánh chiếm thành phố Hải Phòng và thị xã Lạng Sơn (ngày 20 tháng 11 năm 1945), thực dân Pháp tiếp tục đánh chiếm Thủ đô Hà Nội. Mưu đồ chiến lược của thực dân Pháp là quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 20-12-1946) và Chỉ thị toàn dân kháng chiến của Trung Ương Đảng (ngày 22-12-1946) cùng với quân dân cả nước, công nhân mỏ Mạo Khê tích cực chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tất cả công nhân được tham gia luyện tập quân sự, mỏ đã lựa được số anh em tích cực trong tự vệ thành lập một trung đội bổ sung vào quân đội. Những công nhân khác chưa đủ tiêu chuẩn, hoặc chưa có điều kiện nhập lực lượng vũ trang thì tham gia tiêu thổ kháng chiến hoặc trở về địa phương tham gia xây dựng lực lượng tự vệ, chuẩn bị bước vào trận chiến đấu mới.
Trong lúc nhân dân Khu mỏ và một số huyện của tỉnh Quảng Yên đang tích cực chống trả lại sự xâm lược ồ ạt của giặc Pháp công nhân mỏ Mạo Khê cùng nhân dân trong vùng tích cực tiêu thổ kháng chiến.
Toàn bộ người Pháp (gồm cả gia đình họ) ở trong mỏ được ta đưa đi ở tập trung nơi an toàn để sau trao trả họ cho Pháp.
Toàn bộ công sở và những cơ sở sản xuất như: Đường sắt, bến cảng, nhà sàng trong mỏ…hàng loạt cầu cống dọc đường số 18 như cầu Đại Tân, Đạm Thủy, Cầu Cầm, Đá Bạc, phà Đụn, phà Triều đã bị tự vệ mỏ phá hủy nhằm chặn đứng đường tiến quân của địch từ Hải Phòng, Hồng Gai, Hải Dương đến.
Sau khi đánh chiếm được hầu hết Khu mỏ Hồng Gai- Cẩm Phả và phần lớn đất đai của tỉnh Quảng Yên, ngày 13 tháng 3 năm 1947, giặc Pháp đánh Đông Triều, Phả Lại. Đến tháng 1 năm 1948 chúng mới chiếm được Đông Triều, nhưng mãi đến tháng 2 năm 1948, chúng mới đánh chiếm được Mạo Khê.
Chiếm được Mạo Khê, thực dân Pháp vẫn tiếp tục thực hiện ý đồ khai thác ở đây. Nhưng do lực lương du kích địa phương hoạt động mạnh, nhiều tên Việt gian tay sai của Pháp đã bị trừng trị. Nhà máy, hầm lò, công sở bị ta phá hoại rất nặng, ý đồ tiếp tục khai thác than ở mỏ Mạo Khê của Pháp không thực hiện được. 
Âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của kẻ thù ở Mạo Khê đã bị thất bại.
Trong những năm giặc Pháp đóng chiếm mỏ Mạo Khê, chưa bao giờ chúng được “yên” trên mảnh đất này. Mỏ than Mạo Khê đã là điểm xuất phát của lực lượng du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực tấn công kẻ thù.
Trong chiến dịch Đông Bắc lần thứ II phối hợp với cuộc tập kích vào thị xã Quảng Yên (đêm 27 rạng ngày 28 tháng 4 năm 1949), công nhân mỏ Mạo Khê đã cùng nhân dân đánh địch ở nhiều nơi, phá hoại kinh tế của chúng.
Hưởng ứng tuần lễ đấu tranh từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 5 năm 1949 ở vùng sau lưng địch của Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Yên phát động, lập thành tích kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với nhân dân vùng dậy phá tề trừ gian, diệt phản động. Công nhân mỏ Mạo Khê đã phá mỏ làm cho bọn chủ mỏ Pháp không khai thác được và cũng từ đây bọn chủ mỏ Pháp phải ngừng hẳn việc khai thác than ở Mạo Khê.
Thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung Ương Đảng lần thứ nhất (khóa II) tháng 3 năm 1951, từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 7 tháng 4 năm 1951, ta mở chiến dịch Hoàng Hoa Thám, sử dụng 7 trung đoàn đánh vào phòng tuyến của địch khu vực từ Phả Lại đến Uông Bí để tiêu diệt một bộ phận địch phát động du kích chiến tranh công nhân mỏ đã phối hợp cùng bộ đội tấn công địch ở Mạo Khê.
Một trận đánh kinh hoàng đã xảy ra ở Mạo Khê. Trong đêm tối Việt Minh đã chân không bất thần xung phong ba mặt bằng ba-zô-ca và những gói chất nổ lớn. Pháo binh Đông Triều đã bắn hơn 2.000 phát để cứu Mạo Khê, nòng pháo đỏ rực.
Do bọn thực dân, chủ mỏ không thể khai thác được ở mỏ than Mạo Khê nên một số công nhân đã ra nhập lực lượng vũ trang. Số khác trở về gia đình ở nông thôn để hoạt động. Số còn lại cả vợ chồng, con cái là công nhân vẫn ở lại mỏ đoàn kết đấu tranh với địch cho đến ngày miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đội ngũ công nhân mỏ Mạo Khê đã không quản gian khổ hy sinh cùng nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai của chúng. Nhiều công nhân đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Nhiều công nhân xưa ở mỏ ra đi khi hòa bình lập lại đã tình nguyện trở về mỏ góp sức lực, trí tuệ, tài năng cho sự nghiệp sản xuất “vàng đen” của Tổ quốc.
(Còn tiếp.....) 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây