Công ty than Mạo Khê

http://thanmaokhe.vn


"65 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG NHÂN CÔNG TY THAN MẠO KHÊ" - Phần 2.

MỎ MẠO KHÊ TRƯỚC NĂM 1954

CHƯƠNG I
SỰ RA ĐỜI CỦA MỎ THAN MẠO KHÊ

 
Than ở Đông Triều mới được khai thác rải rác từ thời Minh Mạng (1820 - 1840) Triều Nguyễn.
Phiên bản bức chỉ dụ của vua Minh Mạng được trưng bày ở phòng truyền thống của Công ty Than Mạo Khê. 
Năm 1859, Tổng đốc Hải An là Tôn Thất Bật dâng sớ xin khai thác ở núi Yên Lãng xã Yên Thọ ngày nay. Đến thời Tự Đức (1846 - 1884); mỏ Mạo Khê bắt đầu được khai thác dưới hình thức “trưng khai” của một số thương nhân người nước ngoài như Trần Mục Thầu của người Trung Quốc và sau đó là Li-ri người Đức.
Năm 1888, Pháp ép triều đình nhà Nguyễn bán mỏ Đông Triều cho chúng.
Nắm trong tay quyền hành sử dụng, Pháp cắt nhượng mỏ Mạo Khê cho tên chủ đồn điền người Pháp có uy thế tên là Mác-ty.
Năm 1889, con rể Mác-ty là Sa-lê xin “khoáng quyền” và mở rộng khai thác khu lò phía Bắc nhà sàng hiện nay, trước gọi là lò Sa-lê.
Sau đại chiến thế giới thứ I (1914 - 1918), Pháp được xếp vào hạng các nước đế quốc thắng trận, nhưng nền kinh tế lại bị tán phá nặng nề. Để bù đắp lại những tổn thất đó, Pháp tăng cường bóc lột nhân dân lao động và vơ vét của cải ở các nước thuốc địa. Khu mỏ là miếng mồi béo bở nên bọn tư bản đua nhau xâu xé, chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt công ty khai thác mỏ ra đời.
Ngày 25-10-1920, Công ty than gầy Bắc Kỳ được thành lập do chủ nhà băng Đông Dương Fontaine đồng thời là chủ hãng độc quyền “rượu ty” là trưởng ban quản trị phạm vi khai thác là 2.488 ha đất mỏ Mạo Khê. Số vốn ban đầu là 15.000.000 Fơ-răng, khai thác 4 lò. Đến 1 tháng 1 năm 1933 số vốn tăng lên với 22.500.000 Fơ-răng.
Từ năm 1920-1925, Công ty than gầy Bắc Kỳ tiến hành thăm dò, 1925 đến 1927 tiến hành thiết kế kỹ thuật, từ năm 1927-1930 lắp đặt dây chuyền nhà sàng tuyển rửa 40 tấn/giờ, và một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh gồm 2 nhà máy điện, một lò giếng đứng hiện đại, nhiều đầu tầu toa xe, thiết bị mới cùng một bộ phận vận tải thủy gồm 1 tầu kéo và 20 xà lan. Các công việc mở mỏ của Công ty than gầy Bắc Kỳ (SAT) đến cuối năm 1930 gần như hoàn chỉnh.
Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã tác động mạnh mẽ với nước Pháp và các nước thuộc địa (của Pháp). Sản lượng than mỏ Mạo Khê cũng như các mỏ khác đều bị giảm sút, than ứ đọng không tiêu thụ được, hàng nghìn công nhân bị thất nghiệp…Các mỏ và những công ty nhỏ bé có nguy cơ bị phá sản.
Để cứu nguy, Công ty than gầy Bắc Kỳ và Công ty than Kế Bào, Công ty than Hạ Long, Công ty than Đồng Đăng và Công ty than Phấn Mễ thỏa thuận liên hiệp thành một Công ty mang tên: Công ty than Đông Dương, nhằm tập trung vốn, tạo thế lực kiếm thị trường tiêu thụ để vượt qua cuộc tổng khủng hoảng, Trước sự phá sản không gì cưỡng nổi, tháng 10-1930, Công ty than Đông Dương phải đình chỉ việc mở rộng kiến thiết, thu hẹp quy mô sản xuất. Đến năm 1931, than ứ đọng không tiêu thụ được lên tới 80.000 tấn. Do vậy, đến năm 1932, Công ty than Đông Dương buộc phải gán toàn bộ tài sản cố định cho ngân hàng Đông Dương và đến ngày 26-9-1933 công ty này rơi vào tay Ngân hàng Đông Dương. Cũng trong năm 1933, Ngân hàng Đông Dương sáp nhập vào Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (S.F.C.T) là công ty khai thác than lớn nhất, có thế lực lớn nhất ở Đông Dương. Từ đó mỏ Mạo Khê thuộc về Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (S.F.C.T).
Mỏ than Mạo Khê được phát hiện và khai thác dưới triều Nguyễn. Việc khai thác lúc đầu chỉ là “đào bới” những vỉa than lộ thiên. Điều kiện và kỹ thuật khai thác còn sơ sài, sản lượng than thu được không đáng kể.
Năm 1837, trong số các sản phẩm mà nhà Nguyễn mua được ở Bắc Kỳ, lần đầu tiên mua than mỏ. Cũng trong thời kỳ đó Bộ Công Sai vận chuyển 10 vạn cân than Đông Triều về kinh.
Dưới thời Pháp thuộc mỏ Mạo Khê được gọi là “mỏ nhà quê” vì 2 lẽ: một là nằm giữa vùng nông thôn bán sơn địa; hai là: chủ mỏ ít đầu tư trang bị kỹ thuật, trình độ khai thác lạc hậu và sử dụng nguồn nhân công quá rẻ mạt.
Trong những năm 1923-1929, sản lượng than ở mỏ Mạo Khê gần bằng sản lượng của Công ty than Đông Triều, chỉ chịu kém công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (S.F.C.T), nhưng việc đầu tư thiết bị ở Mạo Khê rất hạn chế. Mọi công việc từ đào lò đá, khai thác vận chuyển đều làm thủ công, lò giếng sâu 40m nhưng vẫn chưa được sử dụng năng lượng điện, vận chuyển than chủ yếu là đội gánh và đun xe khung sắt thùng gỗ.
Trong tổng số các lò của Pháp đã khai thác ở Mạo Khê chúng đều tập trung vào các vỉa “dễ ăn”. Nhiều lò chúng chỉ đào sâu 30-40m lấy một số than tốt rồi bỏ đi. Gặp thời kỳ bán than không chạy (1929-1933), chúng đổ cả than cám vào lấp om-le.
Sản lượng than Pháp khai thác ở mỏ Mạo Khê năm 1913 là 62.000 tấn than năm 1925 lên 107.000 tấn và năm 1939 là năm sản lượng cao nhất của công ty than gầy Bắc Kỳ đã đưa sản lượng lên 150.000 tấn.
Tính đến năm 1945, bọn tư bản, chủ mỏ Pháp đã vơ vét trên 3.643.980 tấn than ở mỏ Mạo Khê, trong đó có 30% than củ và than don, mang lại món lời kếch xù cho bọn tư bản Pháp. Năm 1924, mỗi cổ phần của công ty than gầy Bắc Kỳ thu được 6 triệu Fơ-răng, nhưng chỉ một năm sau, mỗi cổ phần đã lên tới 9 triều Fơ-răng.
Quá trình khai thác than của những thương nhân người nước ngoài (những năm đầu) và của tư bản người Pháp (tập trung lớn nhất là hai thời kỳ 1897-1913 và 1919-1929) ở Mạo Khê trở thành một trong những nơi sản sinh ra giai cấp công nhân Việt Nam.
Số công nhân mỏ Mạo Khê tính theo số thẻ phát (trong sổ sách) đến năm 1913 là 950 người, năm 1929 là 2.800 người.
Cuộc khủng hoảng kinh tế của các nước tư bản chủ nghĩa    năm 1929-1933 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các thuộc địa, hàng hóa bị ứ đọng, công nhân bị sa thải…nên đến tháng 11-1936, số công nhân có thẻ ở Mạo Khê chỉ còn 2.407 người    và đến năm 1937, có 4 người Tây và 2.540 người Á Đông.
Theo báo Lơ-tờ-ra-vay (Báo Lao động) thì công nhân mỏ Mạo Khê lúc này thường 2-3 người chung một thẻ, nên số lượng thức tế khoảng 4.500-5000 người. 
Công nhân mỏ Mạo Khê phần lớn là những người của hai huyện: Đông Triều và Kinh Môn, một số “ăn cơm nhà đi làm sở” (tối về nhà với vợ con làm nông nghiệp); số khác chồng làm công nhân mỏ, vợ làm đồn điền Salle Mạo Khê; phần còn lại là người nông dân ở tỉnh Nam Định và Thái Bình bị bần cùng hóa ra làm công nhân mỏ. Họ ở tập trung trong các xóm thợ, vườn thông, chợ con, cống trắng, xung quanh phố và ở ngay tại các cửa lò, trong các lán thợ, trại của cai ký, ngay cạnh những công trường khai thác, mỗi lán có chừng 50-100 người.
Hình thành ở vùng nông thôn bán sơn địa, chế độ khai thác kiều thầu khoán; bởi vậy mỏ Mạo Khê nhiều công nhân “áo nâu”, sống ít tập trung, biến động theo thời vụ. Họ bị bọn địa chủ phong kiến đế quốc bóc lột trực tiếp nặng nề hơn, và có mối liên minh với nông dân chặt chẽ hơn so với công nhân ở một số nơi khác.
Sống trên khu đất “nhượng”, công nhân Mạo Khê phải chịu hai tầng áp bức bóc lột:
Một là: Bộ máy bạo lực của chính quyền thực dân phong kiến tỉnh Hải Dương đứng đầu là công sứ, dưới là tri huyện Đông Triều và bọn tay sai như chánh tổng, lý trưởng, trưởng phố. Trong mỏ có trưởng lán và sở cẩm do một tên Pháp Soria chỉ huy và hai, ba Poolia (cút lít) người Việt đảm nhận việc trị an hành chính, gác sở là một đội gồm 10 người Việt.
Hai là: Bộ máy bạo lực của bọn thực dân chủ mỏ, được thiết lập tương ứng với hai thời kỳ:
- Thời kỳ dưới quyền của Công ty than gầy Bắc Kỳ (1920-1933) công nhân thường gọi là làm cho sở, chủ mỏ.
- Thời kỳ dưới quyền của Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (S.F.C.T) (1934-1945) công nhân thường gọi làm cho công ty.
Dưới thời của “Sở” (Công ty than gầy Bắc Kỳ) đứng đầu công ty là chủ tịch hội đồng quản trị, sau là các thành viên của hội đồng gồm những tên tư bản lớn có thế lực, góp cổ phần cùng đầu tư khai thác. Trụ sở của công ty tại quận 7 Paris thủ đô nước Pháp.
Tuy không trực tiếp điều hành công việc và không am hiểu về nghề khai thác mỏ, hoặc chưa từng đặt chân tới Việt Nam, những tên tư bản góp cổ phần trong công ty có quyền lực rất lớn. Đứng đầu là Phông-ten chủ tịch công ty rượu Đông Dương đồng thời cũng là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty than gầy Bắc Kỳ; sau đó là giám đốc mỏ Pye-rơ; dưới quyền giám đốc là hai kỹ sư khai thác Hen-nơ-canh và Laglnille cùng một kỹ sư cơ khí Vi-ta-lít và một số nhân viên kỹ thuật người Pháp nắm quyền điều hành các khâu quan trọng như: Nhà giấy (hành chính giấy tờ), nhà tàu, sở cẩm, nhà sàng, bến cảng, lính gác…Sau cùng là cai ký chủ thầu người Việt.
Trong bảng thống kê năm 1929 của Công ty than gầy Bắc Kỳ, toàn bộ nhân viên ngạch Pháp chỉ có 31 người, trong đó có cả thợ máy và đốc công chỉ có 12 người.
Ở một số cửa lò và những dây chuyền sản xuất thủ công được giao cho các chủ thầu là người Việt. Dưới chủ thầu còn có cai ký và trương tuần.
Thời kỳ mỏ Mạo Khê lọt vào tay Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (S.F.C.T) tức thời kỳ công ty, bộ máy thống trị cũng như hệ thống tổ chức sản xuất không thay đổi nhiều, đứng đầu là tên chủ mỏ Hen-nơ-canh, sau ra Rit-sa. Mấy năm đầu, một số cửa lò chính khai thác dưới quyền trực tiếp của chủ mỏ người Pháp, sau đó, phần lớn nhân viên người Pháp đều rút về Hồng Gai và thay thế vào đó là những nhân viên, kỹ thuật khai thác lò (xu-va-giăng) và các chủ thầu khác người Việt.
Quá trình khai thác than ở Mạo Khê, thực dân Pháp triệt để áp dụng chế độ “bao thầu” trong hầu hết các khâu có công việc nặng nhọc, lao động thủ công. Bởi vậy, trừ một số cửa lò và xưởng cơ khí, còn phần lớn thợ mỏ Mạo Khê không trực tiếp chịu sự cai quản của chủ người Pháp mà chỉ lao động và liên quan trực tiếp với người trung gian và chủ thầu. Ở Mạo Khê, có những chủ thầu cả một khu hoặc một đường lò, vì thế công nhân cũng nói làm cho chủ thầu là Sở như: Sở Tuynh, sở Nhượng hoặc lò sếp Thuận, sếp Tình. 
Những người làm việc ở lò cái cũng không hơn gì làm ở lò chợ “trong hầu hết các đường lò, nhất là lò cái, đầy lò bùn ngập đến cổ chân, trần lò nước thường xuyên rỉ ra rơi lõng bõng”.
Ánh sáng leo lét của chiếc đèn “con gà” đốt bằng dầu lạc dẫn người thợ mỏ lầm lũi bước vào địa ngục của trần gian để đào bới than trong các đường lò không chiến thắng nổi “thần chết”.
Một số lò bằng khai thác kiểu “giàn mướp”, công việc đội đất đá khi đào phỗng, hoặc đội, cõng than từ gương lò ra, vận chuyển đất đá lấp “om-le” đều do phụ nữ và trẻ em.
Ở Mạo Khê, phụ nữ vào lò đội than cũng chỉ mặc một chiếc quần đùi, một cái yếm, trên đầu quấn “đụn lá chuối khô bện” suốt ngày đội cõng những thúng than đầy, gặp đường lò quá thấp gần như phải bò.
“Thời gian lao động là 12 giờ một ngày, kéo dài từ 6 giờ sáng đến tối. Quần quật suốt ngày từ cửa lò đến lòng đất, đội lên xuống hàng trăm lần với những thúng than, nặng oặt cổ. Có những tảng đá to, đội không được, phải cõng như cõng bao gạo, có lần vì nặng quá, tôi bị ngã lăn chiêng từ trên xuống xây xát mình mẩy và kéo theo cả người khác. Hầu hết công nhân đội than là đàn bà và trẻ em…mùa rét trên mặt đất là giá lạnh, nhưng dưới lò không khí ngột nhạt, mồ hôi nhễ nhại…”
Tối đến công nhân mới ra khỏi lò. Dù trời mưa dầm gió rét hay trời nắng, họ cũng phải xuống Bảo Đài (Non Đông) tắm và lấy xơ quả mướp già (mang theo từ nhà đến) kỳ cọ. Những ngày giá lạnh họ phải đi nhặt củi để khi tắm xong đốt sưởi.
Những anh em ở gần, về đến nhà sớm cũng phải 17 đến 20 giờ tối. Còn những công nhân người Hạ Chiểu, Kinh Môn (Hải Dương) phải qua đò về nhà còn muộn hơn nhiều.
Mặc dù thời gian lao động kéo dài, cường độ lao động tăng nhiều so với nơi khác, nhưng mức lương khoán của thợ mỏ Mạo Khê trong những năm 1920-1925 thấp hơn nhiều so với thợ mỏ một số nơi trong Khu mỏ.
Ở Hồng Gai – Cẩm Phả, mỗi công my-nơ (thợ cuốc than trong lò) phải cuốc được 26 xe than thì chủ trả 35 xu, nhưng ở Mạo Khê “anh em phu lò thì từ 2 hào 4 (24 xu) đến 2 hào 8 là tột cùng”.
Đối với những người làm theo thời vụ thì chủ thầu chỉ trả 20 xu.
Để đạt dược mức lương đó, người công nhân phải làm trong lò từ 12 đến 14 giờ.
Ở lò cái, các khâu như xúc than lên toa xe, đội than trong hoặc lấp “om-le”, thì tiền công còn rẻ mạt hơn nhiều. Công nhân cuốc than trong lò cái thì cai thầu khoán đo khối lượng theo chiều dài. Bởi vậy thời gian làm việc nhiều nhưng tiền lương lại rất thấp. Gặp những đoạn lò sụt lở có khi làm cả ngày mà vẫn không được tính công nào. Phụ nữ và trẻ em đội than trong lò suốt 12 tiếng đồng hồ trong một ngày mà cũng chỉ được 8-9 xu.
Đồng lương ít ỏi, cuộc sống đói rách lầm than lại lao động trong điều kiện khó khăn phức tạp, luôn luôn đe dọa tính mệnh, người thợ lò cố hết sức một tháng thường chỉ làm được 15-17 công.
Sống bằng đồng lương vô cùng khó khăn vất vả, công nhân còn nơm nớp lo âu bị Xu-va-giăng, cai, sếp đe dọa cúp phạt và đánh đập.
Công nhân không làm đủ định mức bị phạt, xe than lẫn đất đá, chủ cũng phạt; chặt cột không đúng quy cách “phát mèo” 5 xu, phát trái cạnh phạt 1 hào, chặt một đuôi gỗ phạt 82 xu, thậm chí khi chúng gọi tên xưng nhầm cũng bị phạt.
Người công nhân bị nhiều tầng lớp áp bức bóc lột. Một là bọn chủ mỏ thực dân bóc lột gián tiếp qua các cai thầu, hai là bọn cai thầu ăn chặn bóc lột công nhân trực tiếp không có một luật lệ nào. “Thằng sếp, thằng cai phạt, thằng ký trừ, mấy con mụ buôn đục khoét, người thợ trở thành miếng mồi cho cả bọn tư bản thực dân và tay sai của chúng”.
Ở Mạo Khê, bọn chủ và cai thầu mỏ thực dân thực hiện chế độ lao động hà khắc nhằm vắt kiệt sức lao động của người công nhân, biến họ thành công cụ biết nói-mà không được nói. Phạt là biện pháp phổ biến của chúng với thợ mỏ. Làm sai ý chúng phạt đã đành, nhưng đối với những thằng Zoong “Tây lai” thì: “Thợ nghỉ tay để đi ỉa, đi đái hắn cũng phạt, thợ nói chuyện với nhau trong khi làm việc hắn cũng phạt. Sản phẩm làm không vừa ý của hắn, hắn cúp lương của thợ”. Bởi vậy người công nhân “tháng nào tôi cũng thấy tên mình trong danh sách cũng như nhiều anh em thợ, có khi tôi không rõ mình bị trừ, bị phạt vì lý do gì nữa”.
Người công nhân mỏ Mạo Khê không những bị kẻ thù bóc lột tàn tệ về kinh tế, áp bức, đè nén tinh thần, mà còn bị xâm phạm làm nhục đến thể xác.
Tên sếp Conry đánh thợ bằng bất cứ thứ gì mà hắn vớ được. Thợ mỏ phản đối bọn chủ thì làm ngơ và tìm cách lấp liếm tội ác của chúng.
Ở nhà máy cơ khí nhiều người bị thằng Zoong đáng sứt môi, gẫy răng, mang tật nguyền suốt đời.
Không phải chỉ có bọn sếp, cai ký mà cả những tên lính mạt hạng gác sở (chủ yếu là da đen) cũng “được quyền” đánh thợ, chọc ghẹo phụ nữ.Lao động vất vả, cực nhọc, bị đánh đập, hành hạ, người công nhân mỏ Mạo Khê còn bị chủ mỏ, chủ thầu trả lương chậm, lưu lương (có khi đến 20 ngày) thậm chí còn bị cúp phạt vô lý.
Bởi vậy hầu hết anh em thợ chưa hết tháng đã hết lương, phải đi vay nặng lãi, ăn “gạo non”, bán “thẻ non” (mua gạo chịu với giá cao hơn giá bình thường, nhưng bán thẻ thấp hơn số tiền ghi trong đó). Gặp khi mưa bão, đường lò ngập nước hoặc than bán không chạy, thợ phải nghỉ việc không được hưởng lương. Để sống được qua ngày đoạn tháng, người công nhân phải đi vay nặng lãi “một đồng ăn bẩy hào”, hoặc mua gạo bằng thẻ 1 đồng mua được 60 bơ và giá gạo tại mỏ 1 đồng mua được 90 bơ và giá gạo ngoài mỏ 1 đồng mua được 135 bơ. Kẻ cho vay nặng lãi chính là người nhà, gia đình vợ con chủ thầu, cai ký, giám thị ở mỏ…
Một số chủ thầu bóc lột công nhân bằng phương pháp khôn khéo, tinh vi nham hiểm. Hàng tháng chúng chỉ trả một số tiền lương đủ ăn dè sẻn, còn bao nhiêu thì chúng “giữ hộ”. Cuối năm trả một lần. Bởi vậy, bọn chủ và cai thầu đối xử tàn nhẫn với công nhân họ cũng không dám bỏ về hoặc đi nơi khác vì bỏ về không có tiền về, mặt khác sẽ mất luôn số tiền mà chúng “giữ hộ”.
Là một mỏ nằm lọt giữ vùng nông thôn và miền núi, nguồn nhân công dồi dào, bọn chủ mỏ sẵn sàng thu nhận cả gia đình thợ vào làm việc. Trẻ em từ 8 đến 14 tuổi cũng “được nhận” vào đội xúc và vận chuyển than lên xe cùng phụ nữ. Mặc dù cùng làm công việc như nhưng phụ nữ và trẻ em chỉ được chủ trả lương bằng 1/3 hoặc ½ lương của đàn ông. Khi cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ khai thác ở một đường lò nào đó (như lò đá ở phía Đông đồi sàng hiện nay), chúng chỉ cần tăng tiền lương, gạo chứ không cần đầu tư trang thiết bị đã có nhiều người làm. Hầu hết công nhân lò bị bụi đá Silico chết.
Lao động cực nhọc, cuộc sống thường ngày của người thợ mỏ còn cùng cực hơn nhiều. Dù ở lán trại của chủ thầu hay ở lều quán, người thợ cũng chỉ trên manh chiếu rách hoặc đống lá khô. Tuy một đồng mua gạo ăn cả tháng, 8 xu một cân thịt, nhưng thợ mỏ hầu hết là đói rách, nhà cửa lúp xúp xơ xác. Bởi vì, một năm mỗi người phải đóng sưu, mỗi tháng 1 xu tiền thuế nhà và đất ở, 2 xu tiền thuê dụng cụ, và tiền lễ lạt bọn chủ , cai thầu “tuần chay”, “ngày rằm”…
Chế độ lao động quá vất vả, không có bảo hiểm lao động, ăn kham khổ thiếu thốn, bệnh tật liên miên không được chữa chạy. Toàn mỏ có 4,5-5 nghìn thợ, nhưng chỉ có một nhà thương (Trạm xá) với 3 gian nhà: một gian dành cho y sỹ, y tá, một gian để chứa thuốc và dụng cụ, còn một gian để khám bệnh. Dù mắc bệnh gì di chăng nữa đi xin thuốc đều chỉ có một loại thuốc cho là Ký ninh mà thôi. Hàng năm không phải chỉ có hàng chục người mắc bệnh Sillico bị chết, mà ở Mạo Khê gần như năm nào cũng có người chết vì dịch bệnh, thường vào tháng 4, tháng 5.
Cuộc sống vật chất là vậy còn cuộc sống tinh thần thì sao? Công nhân cũng như người dân ở đây ảnh hưởng của một nền văn hóa nô dịch – văn hóa ngoại từ chính quốc “nước mẹ Pháp” – tràn sang…
Dù là “mỏ nhà quê” nhưng tệ nạn xã hội chẳng kém ở Hồng Gai – Cẩm Phả. Những nới tập trung công nhân như khu: Chợ Con, Vườn Thông, Cống Trắng, xung quanh phố và ngay trong các lán, trại ở các cửa lò – nghĩa là cứ những nơi có công nhân ở - là ở đó mọc lên những quán rượu, tiệm hút, ổ mại dâm, nạn nhân là những người thợ mỏ.
Một công (my-nơ) cuốc than 30 xu thì một chai rượu 25 xu. Một kỳ lương vay (A văng) 2,5 đến 3 đồng cũng chưa đủ cho một vài đêm lao vào canh bạc, quán rượu, nhà chứa…tìm thú vui khoái lạc. Sau đó, lại đi vay nặng lãi để sống qua ngày và trả nợ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm hạnh phúc không ít gia đình tan vỡ, con xa cha, xa mẹ, vợ lìa chồng…
Không tìm được lối thoát khỏi đói nghèo, tủi nhục, người thợ mỏ chỉ biết trong cậy vào thần linh thượng đế. Sau khi thực dân Pháp xâm lược và mở rộng khai thác than ở đây, hàng chục đền chùa, miếu mạo mọc lên như chùa Tiên, đền Khe, đền ông Thuận, miếu Cầu Lim, nhà thờ ở phố Mạo Khê, Bãi (Bồ Hoãnh) Cống Trắng.
“Chốn linh thiêng” – nơi những người khốn khổ hi vọng gửi trọn niềm tin – là do bọn chủ mỏ, cai thầu phù phép nặn ra để đầu độc, lừa gạt những người nhẹ dạ, cả tin. Chùa Tiên là nơi bọn gác kho mìn và đập nước lập lên, đôi khi chúng còn rủ bọn đệ tử đến ngồi đồng tuôn ra một loạt tiếng tây bồi bịp bợm những người cuồng tín. Đền ông Thuận dựng lên ở ngay cửa lò để thợ “tiện” việc lễ, khỏi đi xa, mất việc của hắn. Nhà thờ phố Mạo Khê xây dựng năm 1922 chủ mỏ “hảo tâm đóng góp” một phần kinh phí để mở rộng và tôn tạo…
Đền chùa, nhà thờ, miếu mạo…được chủ mỏ, chủ thầu triệt để lợi dụng, sử dụng nó như một phương tiện, một liều thuốc ngủ mê hoặc thợ mỏ cam chịu “số phận” mà trời hoặc chúa “đã định sẵn” cho từng con người, thủ tiêu đấu tranh.
Sống trong cảnh nước mất, nhà tan, công nhân mỏ Mạo Khê cũng như nhân dân cả nước đã vùng dậy chống lại sự áp bức bóc lột của bọn đế quốc thực dân, phong kiến mà trực tiếp là chủ mỏ, cai thầu.
Buổi ban đầu, công nhân chẳng biết làm gì hơn là kêu ca, chửi bóng gió, bỏ việc (bỏ chủ thầu nay sang làm cho chủ khác) lãn công, đánh cai ký, giám thị…phá máy móc, dụng cụ; chống đánh đập, đòi tăng lương…
Năm 1922, năm công nhân ở mỏ Mạo Khê sau lúc nghỉ đã vây đánh tên giám thị Tuấn người Trạo Hà Đông Triều vì thường hắn bán tích kê gian lận để ăn quỵt tiền công của thợ.
Năm 1925, do tiền công thấp, giá cả tăng, đời sống thợ mỏ khổ sở. Một số công nhân kéo lên bàn giấy gặp chủ mỏ, đưa yêu sách, đòi tăng lương cho thợ; đàn ông từ 0,25 đồng lên 0,30 đồng (tiền Đông Dương), đàn bà từ 0,15 lên 0,25 đồng, nhưng bọn chủ không chấp nhận. Tất cả thợ lò tuyên bố bãi công, chủ mỏ hốt hoảng gọi cảnh sát, mật thám từ Hải Phòng tới đàn áp. Trước tình hình ấy, thợ mỏ vận động thợ làm trong nhà máy nghỉ việc cùng tham gia bãi công. Toàn bộ công nhân mỏ Mạo Khê đồng loạt nghỉ việc, cuối cùng chủ mỏ buộc phải chấp nhận tăng lương 10%.
“Những cuộc đấu tranh của công nhân mặc dù chỉ đòi những yêu sách về
 kinh tế đều thường biến thành những cuộc đấu tranh có tính chất chính trị. Vì chế độ thuộc địa luôn chống lại một cách tàn nhẫn bất cứ một sự cải cách nào”.
Cuốc đấu tranh của công nhân mỏ Mạo Khê năm 1925 đánh dấu sự chuyển biến mới của phong trào cách mạng. Khu mỏ nói chung và Mạo Khê nói riêng, “nó không những rút ngắn thời kỳ tự phát của mình mà còn làm cho thời kỳ đó mang một yếu tố tự giác mới”.
Giữa lúc phong trào đấu tranh của công nhân Mạo Khê đang có bước chuyển biến mới, khoảng tháng 8 năm 1926, anh thanh niên giàu lòng yêu nước Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) từ trường Bách Nghệ Hải Phòng đã đến Mạo Khê và xin làm thợ nguội ở nhà tàu (nhà máy cơ khí).
“Ra mỏ không chỉ trốn thoát sự truy nã của mật thám, cảnh sát, không chỉ để kiếm việc làm mà còn mang theo tinh thần phương pháp đấu tranh, truyền bá vào công nhân mỏ”.
Vừa làm việc để kiếm sống, Hạ Bá Cang đã đem những hiểu biết của mình tuyên truyền giáo dục, giác ngộ công nhân – những người đồng nghiệp như Bùi Văn Mạo, Đinh Tiến Toán, Nguyễn Huy Sán, Anh Tước, Anh Khoáng…
Tôi kể chuyện Phạm Hồng Thái, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc…chuyện học sinh trường Bách Nghệ đón đường Varen, chuyện học sinh Hà Nội gây áp lực với tòa án, chuyện ông Tú Doanh ra giữa tòa xin đi tù thay cụ Phan: anh em thợ tròn mắt nghe thích lắm. Từ đó anh em chung tiền gửi mua báo đọc. Tôi bàn lập quỹ tương tế và hội bóng đá”.
Thường  ngày, Hạ Bá Cang nêu lên trước anh em và cùng thảo luận, bàn bạc về chuyện thợ thuyền bị áp bức, bóc lột, đời sống khổ cực…ngày nghỉ, anh Cang thường rủ anh em qua chân núi Móng Chim, vào trại Khách (khu ở của người Việt gốc Hoa) mua mía ăn, xuống suối tắm, rồi cùng nhau tâm sự thời cuộc.
Anh nói với chúng tôi nhiều chuyện, nhưng chúng tôi nhớ nhất là chuyện thợ thuyền nước Nga làm cách mạng, chuyện giai cấp vô sản thế giới nổi dậy ở nhiều nơi, chuyện thợ thuyền nước ta phải làm cách mạng như thế nào. Anh nói: “Muốn làm cách mạng thì phải đoàn kết nhau lại, ai lấy phải ra nhập vào tổ chức. Anh tập hợp chúng tôi lại lập ra hội tương tế để giúp đỡ lẫn nhau về mặt vật chất và tinh thần, để thu hút nhiều anh em thợ vào hội này, đồng thời tránh sự chú ý của địch, anh đề nghị với chúng tôi lập hội tương tế dưới hình thức một hội chơi họ gọi là “Long thương đoàn”.
“Long thương đoàn” hoạt động với hình thức tập trung số vốn của các hội viên mở một cửa hiệu ở phố Mạo Khê. Đây chính là nơi liên lạc của hơn một trăm hội viên.
Cuối năm 1927, Hội đã phải “đứng ra lãnh đạo cuộc chiến tranh của công nhân nhà máy cơ khí nổ ra một cách tự phát”, thực chất là một sự đối phó bị động trước một sự việc đã rồi”.
“Long thương đoàn” là một tổ chức quần chúng mang tính cách mạng đầu tiên ở Mạo Khê trước khi có Đảng. Mặc dù về tổ chức và hình thức còn ở mức độ thấp hơn. Người đầu tiên có công xây dựng và phát triển tổ chức này là đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) – người thanh niên tràn đầy nhiệt huyết yêu nước, yêu đồng bào và lòng căm thù chế độ thực dân chủ mỏ. Với sự hiểu biết của mình đã truyền bá phong trào công nhân mỏ Mạo Khê chủ nghĩa yêu nước chân chính và cách mạng vô sản thế giới, về những nhiệm vụ của giai cấp công nhân nước ta…và phương pháp cách mạng.
Đầu năm 1928 (sau tết âm lịch) đồng chí Hạ Bá Cang trở về hoạt động và làm việc ở xưởng máy Ka-rông Hải Phòng.
(Còn tiếp.....)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây